Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

22/05/2020 - 12:58

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 22-5-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.

Mục đích chỉ đạo việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân; bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học một cách rộng rãi, thực chất. 

Đồng thời, quy phạm hóa 4 chính sách đã được thông qua tại giai đoạn Đề nghị xây dựng Luật gồm: Chính sách 1, quy định rõ nội dung, tính chất của thỏa thuận quốc tế theo hướng phân biệt với điều ước quốc tế, đồng thời phân biệt với hợp đồng/thỏa thuận về giao dịch về dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư; chính sách 2, mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với chủ trương, nhu cầu và thực tiễn hợp tác quốc tế hiện nay; chính sách 3, xác định rõ và đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với công tác ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế; chính sách 4, đơn giản hóa trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong quá trình xây dựng dự án Luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Ngoại giao đã nghiêm túc thực hiện các bước xây dựng Luật theo các quy định của pháp luật liên quan và chỉ đạo của Chính phủ.

Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được thiết kế gồm 7 chương, 53 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Các ý kiến tham gia thẩm tra đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ.

Các ý kiến đều cho rằng hồ sơ dự án Luật Thỏa thuận quốc tế đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý về những vấn đề cụ thể, từ ngữ, kỹ thuật lập pháp, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN