Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật

24/06/2020 - 06:52

BDK - Vào lúc 19 giờ, ngày 25-6-1962, tại chợ Hồ Cỏ, xã Thạnh Hải nay là xã Thạnh Phong (Thạnh Phú), Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre biểu diễn buổi đầu tiên phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng giải phóng. Sự kiện này được lan tỏa nhanh chóng và mang đến niềm vui cho mọi người lần đầu tiên được xem chương trình nghệ thuật sân khấu cách mạng kể từ sau Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ khánh thành Bia lưu niệm Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre. Ảnh: Q.Hùng

Đêm diễn đầu tiên

Đặc san kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre có ghi lại lời kể của đồng chí Đoàn Tứ - nguyên Trưởng đoàn lúc bấy giờ, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Định, sau Đồng khởi, nhu cầu sinh hoạt về văn hóa của quần chúng rất bức thiết, cán bộ văn nghệ làng xuống cơ sở hướng dẫn phong trào, bồi dưỡng cốt cán dần dần tuyển chọn những người có khả năng rút lên xây dựng một đoàn văn nghệ chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài cho công cuộc kháng chiến. Sự chỉ đạo ấy đã được Ban Tuyên Văn Giáo Tỉnh ủy thực hiện nghiêm túc. Sau hơn 3 tháng vận động, tập hợp lực lượng xây dựng, đoàn đã ra mắt vào lúc 19 giờ ngày 25-6-1962, đêm diễn đầu tiên tại Hồ Cỏ thật là một niềm vui khó tả với chương trình ca múa, kịch tổng hợp. Lần đầu tiên bà con ta nhìn thấy được ánh đèn điện, đèn màu đỏ rực trên sân khấu.

Đêm ấy, ngoài chương trình ca nhạc, cổ nhạc và vở cải lương: “Em bé Tân Thanh” của soạn giả Nguyễn Văn Quang, diễn đến cảnh giặc đem mẹ bé Sắc tra tấn chết đi sống lại trước mắt bé Sắc, các mẹ, các chị kéo khăn lau nước mắt, còn các em gái thì khóc nức nở.

Sau lần biểu diễn này, đoàn đi lưu diễn khắp vùng giải phóng ở Bến Tre, được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vô cùng mến mộ và hoan nghênh. Tiếp tục đi cùng với tháng năm của kháng chiến, vừa hoạt động vừa xây dựng bổ sung thêm nhân sự, trang thiết bị và thật sự là một đoàn sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh. Hoạt động hết cù lao Bảo sang cù lao Minh rồi về cù lao An Hóa, đi khắp vùng giải phóng. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tranh thủ những ngày chủ trương ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, tỉnh ta tổ chức quy mô lễ mít-tinh thu hút quần chúng trong thị trấn, thị xã, có cả công chức, sĩ quan binh lính ngụy ra vùng giải phóng dự lễ và xem văn công, có cuộc trên 10 ngàn người. Công việc đào tạo, phát triển lực lượng được quan tâm như đưa cán bộ, diễn viên về R để đào tạo chuyên môn, đoàn Trung ương về tỉnh ta đã tranh thủ học tập và xây dựng chương trình tiết mục, trau dồi kinh nghiệm về sáng tác và dàn dựng để ngày càng phong phú và hiện đại hơn.

Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre với vở diễn “Đóa hoa hồng”. Ảnh tư liệu

Khát vọng hát với mùa xuân đại thắng

Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, người từng tham gia Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre kể: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên Văn Giáo Tỉnh ủy, vào cuối năm 1967, đoàn từ huyện Châu Thành kéo về xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) để bắt đầu xây dựng một chương trình chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Dù Xuân Mậu Thân, Thị xã Bến Tre không hoàn toàn giải phóng, Đoàn Văn công không phục vụ cho đồng bào thị xã, nhưng khí thế tổng tấn công năm ấy đã hun đúc cho những người tham gia đoàn vững vàng bước tiếp những ngày gian khổ.

Sự ác liệt của chiến tranh, Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre phải chấp nhận bao hy sinh mất mát, từ một đơn vị nghệ thuật có trên 50 người đến năm 1969 chỉ còn vỏn vẹn 11 người. Nhằm gìn giữ và bảo tồn lực lượng, Ban Tuyên Văn Giáo Tỉnh ủy đã cử đồng chí Lê Huỳnh về làm Trưởng đoàn (từ năm 1969 - 1972). Chỉ với 11 người nhưng đoàn vẫn bám trụ và hoạt động, thoát khỏi vòng vây của địch tại xã Thạnh Phú Đông, về Lương Hòa (Giồng Trôm), rồi qua Tam Phước (Châu Thành). Vừa xây dựng chương trình, vừa hoạt động phân tán nhỏ lẻ như về vành đai thị xã Bến Tre, vào ấp chiến lược… vào khu trù mật An Hiệp, Sơn Đông, Cồn Lợi (Châu Thành). Có lúc biểu diễn cho 11 thương binh trên doi Hòa Lợi (Giồng Trôm)… “Tất cả vì niềm tin sẽ có một ngày hát với mùa xuân đại thắng, thực hiện trọn vẹn ước mơ hát cho đồng bào thị xã yêu thương chúng tôi” - ông Trần Công Ngữ nói.

Trong ác liệt của chiến tranh, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật đã “vượt qua khói bom và hát trong lửa đạn”. Trong hòa bình, những chiến sĩ ấy lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vinh quang của Đảng và nhân dân giao phó, có đồng chí đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh; giám đốc, phó giám đốc sở ngành tỉnh; lãnh đạo huyện. Có nhiều đồng chí đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ, Hội Sân khấu Trung ương đã và đang hoạt động tích cực trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà.

Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre còn là tiền thân của Đoàn Ca múa Bến Tre, Đoàn Cải lương Bến Tre. Các hoạt động của Đoàn Ca múa Bến Tre đã tạo những dấu ấn tốt đẹp sau khi ra đời, đoàn đã để lại trong lòng khán giả từ Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Hải Phòng với ca khúc “Dáng đứng Bến Tre”. Đoàn Cải lương Bến Tre đoạt giải đặc biệt trong liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc chào mừng Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V tại Hà Nội và sau đó đi lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc với kịch bản cải lương “Cây dừa đỏ”.

Tường Vy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN