Chỉ số PII Bến Tre năm 2023 xếp vị trí thứ 5 đồng bằng sông Cửu Long
18/12/2024 - 15:55
BDK.VN - Tại Diễn đàn Mekong Connect lần thứ 9 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 6 địa phương thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) địa phương (PII) do Bộ KH&CN công bố năm 2023 là: Cần Thơ (49.66 điểm, xếp thứ 5/63), Long An (44.95 điểm, xếp thứ 12/63), Đồng Tháp (38.32 điểm, xếp thứ 25/63), Tiền Giang (37.66 điểm, xếp thứ 27/63), Bến Tre (37.65 điểm, xếp thứ 28/63) và Vĩnh Long (37.37 điểm, xếp thứ 29/63).
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ 4 từ trái sang), cùng với đại biểu tham dự Diễn đàn Mekong Connect 2024. Ảnh: Cẩm Trúc
Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (được gọi tắt là PII theo tiếng Anh - Provincial Innovation Index) cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN và ĐMST của từng địa phương.
Bộ chỉ số cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN và ĐMST của từng địa phương. Dựa trên bộ chỉ số này, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình dựa trên KH&CN.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thông qua điểm số và thứ hạng có thể thấy các địa phương vùng ĐBSCL chia làm 3 nhóm khá rõ, có Cần Thơ và Long An ở nhóm đầu; Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang và Trà Vinh ở nhóm thứ hai với điểm số trong khoảng từ 34.94 - 38.32 điểm và Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang ở nhóm thứ ba với điểm số từ 29.80 - 32.54 điểm, thứ tự xếp hạng phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên và cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng.
ĐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào, là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Có thể nói, thông qua các diễn đàn như Mekong Connect, vùng ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng đang dần khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khởi nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, công nghệ xanh, thúc đẩy thương mại bền vững, tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn, để bắt kịp xu thế của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước, chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị cho vùng.
Để đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gắn với KH&CN và ĐMST, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương trong vùng cùng tập trung nghiên cứu một số vấn đề như: Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST theo hướng thí điểm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động theo chiều sâu nhằm giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương.
Tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong vùng, gắn với các lĩnh vực khai thác tốt thế mạnh của vùng theo định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là trong kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16-11-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ KH&CN đang triển khai một số Chương trình có các hoạt động KH&CN và ĐMST phù hợp các tỉnh.
Bộ KH&CN cũng đã tổ chức công bố và kêu gọi đề xuất các nhiệm vụ triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 về "Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam". Theo đó, các địa phương, trường, viện, các tổ chức KH&CN có thể tham gia đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN để góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững của vùng.
Để thúc đẩy kết nối, hợp tác phát triển vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và cả nước thì trước hết cần quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó vấn đề nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nguồn tài nguyên vật liệu tự nhiên (cát, đá, sỏi...) đang dần cạn kiệt như: sử dụng tro, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón; xử lý cát mặn làm vật liệu xây dựng, giao thông đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Tăng cường liên kết vùng, nâng cao nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN và ĐMST.
Huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của vùng. Triển khai xây dựng và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại địa phương với quy mô vùng. Gắn kết với cục tăng trưởng phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN; tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PII của địa phương.