Chị lao công, đêm đông, quét rác…

09/06/2010 - 08:40
Chị Trần Thị Vững (bìa phải) tại buổi giao lưu phụ nữ điển hình tiên tiến. Ảnh: PY

Cơn gió cuốn qua. Chị chạy đuổi theo mớ rác bay tung tóe. Từng tiếng chổi sột soạt lại vang lên. Chị bảo, mùa nắng thì chạy theo rác, còn mùa mưa một đụm rác phải hốt nhiều hơn bình thường hai, ba lần…

Đời quét rác, nhiều lần làm chị rơi nước mắt và đôi khi chẳng dám nhận người thân. Vậy mà chị đã gắn bó với nó hơn 20 năm. Ngần ấy thời gian đã đủ để những xốn xang ban đầu thay bằng sự tự tin với nghề làm đẹp đường phố, những mặc cảm biến thành niềm tự hào với sự thành đạt của những đứa con. “Chị lao công, đêm đông, quét rác…” ấy chính là chị Trần Thị Vững – Đội phó Đội Vệ sinh đô thị, kiêm Tổ trưởng Tổ mặt đường, thuộc Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Bến Tre.

Dắt díu nhau từ Hải Phòng vào Bến Tre lập nghiệp từ năm 1987, hai vợ chồng chẳng có tài sản gì quí giá ngoài 3 đứa con - đứa lên 6, đứa lên 4 và đứa tròn 7 tháng tuổi. Ngày ra đi, mẹ chị căn dặn: “Mất gì thì mất đừng để mất mấy đứa con”. Câu nói của bà nhắc nhớ chị suốt hành trình cuộc đời. Khó nhọc, vất vả đến mấy miễn sao đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con là chị thấy an lòng. Bắt đầu bằng công nhân xe chỉ xơ dừa, được vài tháng thì chị xin vào làm công nhân vệ sinh với mong mỏi có đồng lương kha khá nuôi con. Vậy mà khi được phân làm công nhân quét rác, đêm đó chị không ngủ được. Một chút băn khoăn, nhưng rồi chị nghĩ nghề nào cũng vì mưu sinh, miễn không làm tổn hại đến danh dự của mình hay người khác là đều quí trọng như nhau. Biết vậy, hiểu vậy nhưng ngày đầu cầm chổi quét đường, gom từng miếng rác, nước mắt chị chảy dài. Chị thấy nhớ nhà, thấy thương bản thân mình đến lạ lùng. Đẩy xe rác từng bước trĩu nặng với bao suy nghĩ mông lung, bỗng từ phía sau vọng tiếng gọi “rác, rác…”, chị khóc òa.

Lại một đêm không ngủ. Cảm giác mình biến thành… rác cứ ám ảnh chị. Thấy mẹ khóc, đứa con gái 6 tuổi cũng thút thít. Ôm mấy đứa con vào lòng, chị quên hẳn mình. Ý nghĩ tìm việc khác, trở về quê… tan biến. Chị lao vào công việc bằng cả tâm lực. Bây giờ ngoảnh lại, chị  đã gắn bó với chổi, với ki, với rác đã hơn hai mươi năm. Công việc mà ngày mới bắt đầu chị đã không đủ tự tin để nhìn mọi người, còn bây giờ: “Đi đâu tôi cũng mặc bộ đồ xanh công nhân Công trình đô thị. Tôi thấy thoải mái và phù hợp với mình” – chị Vững chia sẻ.

Niềm vui của chị trong công việc là nơi mình đi qua được sạch sẽ, tươm tất, không còn rác rưởi rơi vãi tứ tung. Ngần ấy năm gắn mình với từng con đường, ngõ ngách, hơn ai hết, chị cảm nhận được ý thức của người dân đô thị thay đổi như thế nào trong giữ vệ sinh môi trường. Chị Vững nói: “Quét đằng trước quăng rác đằng sau nay đã bớt rất nhiều. Nhưng nếu sau mỗi buổi sáng, đường sá đã sạch đẹp, người dân hai bên đường quét nhà để vào thùng rác, hay cho vào bao nylon thay vì gom ra mép đường thì đỡ vất vả cho người lao công và giữ cho con đường được sạch đẹp lâu hơn”.

Với chị Vững còn có một niềm vui không thể diễn tả bằng lời, đó là 2 đứa con gái lớn đều tốt nghiệp đại học, còn con trai 7 tháng tuổi ngày nào nay đang là sinh viên Trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Công an nhân dân tại Hà Nội. Đứa cháu đầu tiên đã bập bẹ gọi ngoại ơi… Chị Vững không giấu giếm: “Chúng sống bằng đồng lương ky cỏm từ công việc quét rác của mẹ, nghề bán cà-rem, phun ruồi bãi rác của ba và cả những món đồ cũ, từ giày dép, quần áo, sách cũ mà tôi nhặt được từ lề đường, trong sọt rác hay từ tay của những người tốt bụng”. Hai đứa con gái của chị bây giờ đã là kỹ sư, có công ăn việc làm, cuộc sống tương đối ổn định nhưng chúng vẫn giản dị như những ngày tháng khó khăn cùng mẹ cha. Chồng chị - anh Đoàn Như Khải vẫn là công nhân xịt ruồi ở bãi rác Phú Hưng, và chị vẫn ngày hai lượt với công việc làm sạch đường phố của mình.

Với gia đình chị, để có được ngày hôm nay, điểm bắt đầu và đoạn đường đi qua đều đầy những gập ghềnh, trắc trở. Câu chuyện con gái học giỏi được trường cho đi chơi Đầm Sen, được mẹ thưởng bằng đôi giày… nhặt được ngoài đường; nhưng đến nơi, một chiếc sứt đế, con gái phải đi cà nhắc và khi về đến nhà, trong túi áo vẫn còn đế giày để mẹ sửa lại… như một lát cắt về nghị lực của những người luôn biết vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống để vươn lên. Và để hôm nay, họ đã sum vầy trong niềm vui lao động nhờ chính bản lĩnh, niềm tin của mình.

Người nữ lao công nhỏ nhắn tất tả đẩy xe rác bước đi vì đồng hồ đã vượt quá 5 giờ từ lâu. Chị vội vã bắt đầu ngày làm việc của mình bằng tiếng chổi xào xạc và có cả những tiếng gọi vô tình “rác, rác ơi!”.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN