Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 2 đến 6-3-2020

07/03/2020 - 12:20

Trong tuần qua, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp:

- Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử

- Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp

- Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu

- Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh

- Tập trung xử lý vướng mắc về lao động

- Đẩy mạnh thông tin truyền thông

* Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết, 6 Nghị định về các quy định, chính sách quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với công dân Italy

Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Italy nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết nêu rõ, tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Italy, áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 3-3-2020.

Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Phấn đấu 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do

Chính phủ ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Sửa quy định giao phương tiện giao thông vi phạm cho người vi phạm bảo quản

Chính phủ ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Trong đó, sửa đổi quy định giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Cụ thể, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, cụ thể: - Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; - Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Huy động cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Chính phủ ban hành Nghị định 32/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định 32/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật được huy động để tham gia hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hoạt động KHCN tại Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam. Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 5, Điều 6 Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về chính sách tuyển dụng, lao động, học tập và tiền lương.

Cụ thể, người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KHCN công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở: 1- Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ KHCN; 2- Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân; 3- Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Sửa đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Chính phủ ban hành Nghị định 29/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14-3-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Theo đó, bãi bỏ khoản 28 Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14-3-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Như vậy, Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài không còn trong cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao quy định tại Nghị định 26/2017/NĐ-CP. Công tác hướng dẫn báo chí nước ngoài sẽ do Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn thực hiện.

Quy định giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định 26/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo, nêu rõ trách nhiệm việc tăng giá thịt lợn

Trước thông tin phản ánh trên báo chí về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 2-2-2020 của Văn phòng Chính phủ về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trước ngày 10-3-2020, một cách cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của việc tăng giá này.

Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại". Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một trong các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch là nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN