|
Sản xuất chậu trái bần ở hộ anh Mau. |
Gần 20 năm nay, chậu xi- măng từng bước đóng vai trò quan trọng trong làng hoa kiểng Cái Mơn. Hiện tại, chậu kiểng bằng xi- măng thật sự lên ngôi ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách).
Theo nhiều nghệ nhân trồng hoa kiểng ở Vĩnh Thành, do chậu xi-măng rẻ tiền, thích hợp trong mọi thời tiết, sử dụng lâu dài nên nghề làm chậu xi-măng ngày càng phát triển. “Không những sản xuất để sử dụng mà chúng tôi còn phục vụ nhu cầu cho thị trường hoa kiểng trong và ngoài tỉnh” - ông Nguyễn Văn Sửu ở ấp Vĩnh Phú (Vĩnh Thành) đã 15 năm trong nghề sản xuất chậu xi-măng cho biết.
Giấu nghề?
Chậu kiểng làm bằng gốm sứ khá đắt tiền lại dễ vỡ nên người chơi kiểng ít sử dụng. Cách nay gần 20 năm, ở làng nghề sản xuất hoa kiểng Cái Mơn xuất hiện nghề sản xuất chậu xi-măng. Từ năm 2006 trở về trước, chậu được đổ vào khuôn, năng suất lao động rất thấp. Quần quật cả ngày, một người chỉ làm được vài chậu có đường kính miệng chậu khoảng 60cm, cao khoảng 40cm.
Sáu năm trở lại đây, nghề sản xuất chậu xi-măng trở nên sôi động ở Vĩnh Thành. Để sản xuất được nhiều chậu trong một ngày, đã có người đi tỉnh khác học nghề quay chậu. Khi thạo nghề, họ trở về Vĩnh Thành mở cơ sở sản xuất chậu xi-măng và tuyệt đối giấu nghề. Trong đó, cây cỡ để quay chậu được xem là bí quyết trong nghề.
Cây cỡ này ai muốn làm chủ nó chỉ có một cách là “học lóm”. Đến cơ sở đang sản xuất, cố gắng nhìn, cố gắng nhớ. Sau đó, nhờ thợ rèn cho con dao giống như thế.
Còn việc pha màu sơn cho chậu cũng là bí quyết. “Để có màu sơn đẹp cho chậu cũng phải đi học nghề. Lúc đó, ở đây có một cơ sở sản xuất chậu xi-măng pha màu sơn rất đẹp (xin không tiết lộ tên người đó). Vừa mua thùng sơn xong là ông chủ ấy xé bỏ nhãn hiệu rồi pha chế nhiều chất khác để mình độc quyền pha màu” - ông Sửu cho biết thêm.
Nhưng nghề này ngày càng được nhân rộng
Dù bí quyết làm chậu luôn được bảo mật nhưng giấy không gói được lửa. Nhiều người trồng hoa kiểng đã tìm cách học hỏi kỹ thuật sản xuất chậu xi-măng. Người nhân rộng mô hình sản xuất chậu xi-măng chính là những người làm thuê. Sau một thời gian làm công việc quay chậu đến khi lành nghề, người thợ này xin nghỉ rồi mở cơ sở sản xuất chậu xi-măng. Ban đầu vốn ít làm ít, sau đó tích lũy vốn sản xuất số lượng nhiều hơn. Những người chủ này lại có anh em ruột… sản xuất hoa kiểng. Từ đó, họ truyền nghề sản xuất chậu xi-măng để giúp anh em, con cháu ruột… đỡ tốn tiền mua chậu. “Gia đình tôi, mỗi năm bán ít nhất 300 chậu mai vàng dạng bonsai. Nếu mua chậu thì tốn khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, tự sản xuất chậu (chậu có đường kính 30cm) chỉ tốn gần 2 triệu đồng” - anh Nguyễn Văn Mau ở ấp Vĩnh Phú cho biết.
Hiện nay, nghề sản xuất chậu xi-măng đã phát triển đại trà ở Vĩnh Thành, chứ không phải nhỏ lẻ như trước đây. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ sản xuất hoa kiểng của gia đình. Trong đó, có một số hộ sản xuất chậu vừa để sử dụng vừa để bán cho khách hàng. “Cây cỡ để quay chậu rất dễ tìm, cứ đến các lò rèn ở Vĩnh Thành là có ngay” - anh Mau cho biết thêm.
Chậu xi-măng ngày càng đa dạng
Mẫu truyền thống của chậu xi-măng là chậu tròn. “Khách hàng ngày nay, không thích chậu tròn. Họ thích kiểu chậu trái bần, chậu bát tràng, chậu hình chữ nhật hoặc vuông có nổi hình long, phụng…” - ông Sửu nói. Anh Mau tiếp lời ông Sửu: “Làm chậu tròn, chậu bát tràng thì khỏe hơn vì ít tốn thời gian. Còn làm chậu trái bần cực hơn do chờ thân chậu khô rồi đắp ba chân cho chậu. Kế tiếp là sơn chậu. Sơn bằng cách pha trộn xi-măng, thổ chu, sơn chống thấm và bột màu. Chậu trái bần làm xong tốn bảy ngày nhưng giá bán cao hơn chậu tròn”.
Anh Nguyễn Văn Thiên cũng ở ấp Vĩnh Phú, ba năm nay gia đình anh chuyển sang sinh sống bằng nghề sản xuất chậu xi-măng. Theo anh, cứ một bao xi-măng cộng với gần Ử khối cát và 1,5kg chì (chì số 6) cho ra 50 cái chậu (chậu có đường kính 50cm). Sau khi trừ chi phí còn lời 100 ngàn đồng. “Chậu 50cm chỉ tốn 15 phút là hoàn thành. Mỗi người giúp việc (quay chậu, làm miệng chậu) được khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Tuy sản xuất không đều về số lượng nhưng mỗi tháng tôi lời được khoảng 5 triệu đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán thì khá hơn.” - anh Thiên cho biết.
Ông Sửu sản xuất đủ các cỡ chậu, từ chậu 25cm đến chậu có đường kính miệng 1,2m. Chậu 1,2m là chậu lớn nhất dùng để trồng kiểng cổ. “Tùy theo chậu lớn nhỏ mà độ dày bên hông chậu có khác nhau. Chậu 1,2m bên hông dày 3cm, kết cấu có đá mi. Chậu này nặng khoảng 70kg, giá bán 180 ngàn đồng/cái. Trừ chi phí còn lời khoảng 50 ngàn đồng” - ông Sửu cho biết thêm. Sản phẩm chậu xi-măng của ông Sửu được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhiều năm nay, chậu xi-măng của ông Sửu đã có mặt tại các tỉnh: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Tiên, Cà Mau…
Theo ông Trần Văn Đủ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành, chậu xi-măng đang lên ngôi nhưng để đa dạng, Hội đang chuẩn bị mở lớp dạy sản xuất chậu xi-măng giả gỗ. Lớp học sản xuất chậu xi-măng giả gỗ mở từ 13-9 đến 13-11-2012, dành cho 15 học viên của 15 hộ nghèo. Tổng kinh phí 37 triệu đồng, trích từ nguồn của Dự án IFAD. Sau lớp học, các hộ nghèo này được giải quyết việc làm tại các cơ sở sản xuất chậu xi-măng trong xã. Toàn xã có khoảng 20 hộ làm giàu nhờ nghề này và nhiều hộ nghèo có cuộc sống khá hơn nhờ làm thuê cho các cơ sở sản xuất chậu xi-măng. Toàn xã Vĩnh Thành hiện có hơn 100 hộ sản xuất chậu xi-măng.