Châu Thành phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen

01/04/2021 - 18:57

BDK - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc vừa chủ trì cuộc họp với các ngành có liên quan của tỉnh, huyện và Trường Đại học Cần Thơ về triển khai phun xịt thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen tại vườn dừa của 2 hộ dân ở xã Hữu Định và Phước Thạnh.

Bắt sâu đầu đen sau khi đã phun xịt chế phẩm sinh học.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3-2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với Hội Nông dân huyện phối hợp với TS. Phạm Kim Sơn - Phó trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật Trường Đại học  Cần Thơ khảo sát thực tế, lấy mẫu, nghiên cứu và tiến hành phun thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen trên 30 cây dừa ở xã Hữu Định. Sau khi phun, sâu có dấu hiệu hoạt động yếu đi, bò ra khỏi tổ và chết từ từ. Ngày 30-3-2021, TS. Phạm Kim Sơn cùng đoàn công tác của huyện tiếp tục phun xịt thử nghiệm tại vườn dừa của 2 hộ dân ở xã Hữu Định và Phước Thạnh.

Tại vườn dừa của ông Trần Văn Cẩn ở ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, hơn 1,7 công dừa khoảng 15 năm tuổi đã bị sâu đầu đen phá hoại hết phân nửa. Nếu như trước đây, thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn 1 triệu đồng. Ông Cẩn cho biết, nếu không cứu kịp thời thì sắp tới vườn dừa sẽ mất trắng. Từ khi bị sâu đầu đen đến nay ông chưa phun xịt loại thuốc nào, do tuổi già không có công lao động. Nhìn vườn dừa bị sâu phá hoại, ông chạnh lòng, vì đây là nguồn thu nhập của gia đình. Được đoàn chọn vườn dừa để phun thử nghiệm ông rất phấn khởi và phối hợp tốt với đoàn để phun xịt có hiệu quả.

Theo TS. Phạm Kim Sơn, đây là chế phẩm sinh học từ thực vật, không mùi, an toàn cho người nông dân. Qua thử nghiệm trong phòng nhận thấy, chế phẩm này có hiệu quả đối với sâu đầu đen, tỷ lệ chết cao nên phối hợp với địa phương tiến hành thử nghiệm thực tế trên vườn dừa. Để phun xịt chế phẩm có hiệu quả, khâu pha trộn trong nước phải đúng quy trình; chế phẩm cần được hòa tan trong nước, sau đó phun xịt trên tán lá. Lưu ý phun ướt đẫm trên tán lá mới hiệu quả, nếu phun sương hiệu quả không cao.

Hiện nay, sâu đầu đen đã lây lan nhanh ra các xã Hữu Định, Phước Thạnh, An Hóa, An Khánh, Tam Phước, với diện tích 92,8ha, có 156 hộ bị ảnh hưởng, trong đó diện tích nhiễm nặng 21ha, người dân đã tiêu hủy 708 cây dừa.

Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi các vườn dừa sau phun xịt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân cũng như đồng hành cùng các chuyên gia phát huy hiệu quả các đề tài nghiên cứu để phun xịt trên diện rộng, giúp nông dân diệt sâu đầu đen, cứu vườn dừa.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN