Châu Thành đạt kết quả bước đầu về chuyển đổi số

09/05/2022 - 05:52

BDK - Là một trong 2 địa phương được tỉnh chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số (CĐS) cấp huyện, Châu Thành đã nỗ lực đạt được những kết quả bước đầu, tạo khí thế mới để tiếp tục phát triển. Huyện thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Người dân lấy số thứ tự tại bộ phận một cửa của UBND huyện Châu Thành. Ảnh: Trung Trí

Xây dựng chính quyền số

Xác định xây dựng hạ tầng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong CĐS, UBND huyện Châu Thành đã sớm đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ cho người dân. Các thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đại biểu HĐND huyện và thành viên UBND huyện được trang bị máy tính bảng để phục vụ công tác. Toàn khu vực hành chính của huyện đã được lắp đặt hệ thống mạng Internet và Wifi, giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin, tài liệu phục vụ họp không giấy, tổ chức, cá nhân truy cập thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục (TT) trực tuyến.

Hiện 21 xã, thị trấn của huyện đang triển khai thành lập trang thông tin điện tử để đăng tải các chủ trương của Nhà nước, những hoạt động tại địa phương để người dân, doanh nghiệp theo dõi, góp ý cho hoạt động điều hành tại chính quyền. Đồng thời, đây cũng là kênh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Hiện tại, 100% cán bộ, công chức từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên sử dụng phần mềm VNPT-iOffice để quản lý văn bản và điều hành công việc; ứng dụng phần mềm VNPT-iGate để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TT; lập hồ sơ điện tử quản lý văn bản điện tử, sử dụng hộp thư công vụ trao đổi công việc, giao dịch hành chính... Từ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện trên môi trường mạng đạt hiệu quả cao.

Ở cấp huyện, hiện có 133 TT hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, có 22 TT mức độ 3, 111 TT mức độ 4. Ở cấp xã có 65 TT, trong đó 50 TT mức độ 3, 15 TT mức độ 4. Trong năm 2021, huyện có 13.729 hồ sơ TT được giải quyết theo hình thức trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ

Châu Thành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, nhất là kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử. Huyện cũng đã xây dựng hoàn thành phần mềm số hóa và quản lý 4 loại cây trồng chủ lực của huyện: dừa, bưởi, chôm chôm và sầu riêng. Đồng thời, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, kết nối các nguồn tin về nông nghiệp của cơ quan quản lý cấp trên để kịp thời cung cấp thông tin một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả công việc điều hành, quản lý tại địa phương. Trên cơ sở đó, ngành quản lý có thể dùng nền tảng bản đồ số quản lý cây trồng trực quan cho từng lô thửa, quản lý quy hoạch và thông tin nông nghiệp trồng trọt. Thống kê, báo cáo sản lượng, diện tích canh tác một cách chuyên nghiệp. Theo dõi, báo cáo tình hình sâu bệnh, năng suất vụ mùa, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… hiệu quả, an toàn. Từ đó, đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước. CĐS trong nông nghiệp cũng tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân.

Đồng thời, huyện còn lắp đặt và đưa vào vận hành các trạm quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động, người dân có thể truy cập vào ứng dụng trên thiết bị di động để theo dõi thông tin độ mặn được cập nhật theo thời gian thực hiện. Từ đó, có thể chủ động lấy nước vào để tưới tiêu.

Huyện đã số hóa quá trình TT đất đai, thông tin, dữ liệu; đưa cơ sở dữ liệu lên nền tảng bản đồ số và nền tảng website. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai được tập trung xây dựng mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…

Nổi bật là huyện đã hoàn thành phần mềm quản lý một số điểm du lịch (DL) của huyện chạy trên nền web, số hóa các điểm DL trên nền 2D, xây dựng mô hình 3D các điểm DL: Cồn Phụng (xã Tân Thạch), Làng Bè, Làng Xanh (xã An Khánh), Chi nhánh Công ty Lô Hội, Quốc Phương (xã Phú Túc) và cơ sở Nghênh Xuân (xã Thành Triệu)… Phát triển ứng dụng trên website cung cấp cho khách DL các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ DL. Triển khai hệ thống DL thông minh đáp ứng đầy đủ yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, du khách. Bên cạnh đó, việc tích hợp CĐS trên nền tảng website giới thiệu các tour DL nhằm phát triển DL tại các vùng, mở rộng ứng dụng trên điện thoại giúp việc sử dụng, truy cập trở nên nhanh chóng, tiện lợi.

Huyện đã triển khai thí điểm kết nối 5 trạm y tế, gồm: Tân Thạch, Phú Đức, Tiên Long, Tường Đa, Giao Long với tuyến trên trong hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa để người dân trong xã được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, góp phần giải quyết áp lực cho y tế tuyến trên.

Triển khai lắp đặt hoàn thành hệ thống hỗ trợ học trực tuyến và phần mềm K12 Online cho 37 trường trực thuộc và Phòng Giáo dục và Đào tạo. Huyện cùng với Viettel Bến Tre triển khai, tập huấn phần mềm văn bằng, chứng chỉ cho 13 điểm trường THCS; phần mềm thời khóa biểu cho 6 điểm trường tiểu học; giáo án điện tử cho 61 điểm trường trực thuộc; phần mềm thu chi cho 61 điểm trường trực thuộc…

Trung Trí - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN