Chất lượng nguồn nhân lực - nỗi trăn trở!

30/10/2011 - 17:35

Tái cấu trúc nền kinh tế là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ khai thác nguồn lực sẵn có sang khai thác sử dụng nguồn lực trí tuệ, tiếp cận nền kinh tế tri thức và chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Đó là nhiệm vụ quan trọng của cả nước và của mỗi địa phương.

Để giải bài toán trước mắt và lâu dài ấy trước hết là phải có nguồn lực tiên quyết và quyết định là con người. Ngày 20-10-2011, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 04 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết xác định quan điểm: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bao gồm cả thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, hành vi và ý thức chính trị - xã hội, nhằm phát huy vai trò quyết định của con người trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm, 10 năm tới. Các cơ quan Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đều có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Có thể khẳng định, những bài học kinh nghiệm qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới và tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã và đang là động lực để cả nước có bước phát triển mới về cả tư duy lý luận và phương thức hoạt động thực tiễn. Các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cả người lao động đã quen dần với các khái niệm và tư duy về chiến lược phát triển, qui hoạch, nguồn lực, nhân lực, dự báo, tầm nhìn… Ông bà ta có câu “Ăn chắc, mặc bền” không chỉ nói chuyện ăn, chuyện mặc mà mở rộng ra là các suy nghĩ, cách làm ăn phải nhìn xa, trông rộng, phải tính toán đến tính bền vững trong phát triển kinh tế và các mối quan hệ xã hội nói chung. Để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các ngành, các cơ quan, đơn vị có nhiều mối quan tâm, song về công tác cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ba vấn đề quan trọng: đánh giá cán bộ, qui hoạch cán bộ và kỹ năng của người lao động.

Đánh giá cán bộ là công việc định kỳ, thường xuyên của mỗi cơ quan Đảng, Nhà nước. Đã có bổ nhiệm, phân công là có kiểm tra, đánh giá cán bộ và công tác cán bộ. Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt để thực hiện công tác qui hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020), đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: Cần tiếp tục đổi mới quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng sát người, sát việc, theo đúng qui định, căn cứ vào hiệu quả công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ; phải khắc phục cho được tình trạng cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá, nhận xét cán bộ.

Đối với qui hoạch cán bộ: Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy (khóa VIII) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015, đại biểu các huyện, thành phố, ban ngành tỉnh đã thẳng thắn “mổ xẻ” phân tích nguyên nhân các hạn chế từ nhiều khía cạnh: chưa gắn kết các khâu qui hoạch, đào tạo, sử dụng, đánh giá; bổ nhiệm khi chưa đủ chuẩn, nhận thức của xã hội về cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn khắt khe, việc điều động, bố trí cán bộ có lúc chưa phù hợp chuyên môn được đào tạo, ý thức tự học, tự bồi dưỡng của một bộ phận cán bộ chưa cao… Những hạn chế trên phải được khắc phục ngay trong quá trình tiến hành công tác đánh giá cán bộ vào cuối năm 2011 này. Qui hoạch cán bộ phải được công khai, dân chủ, đúng qui định, qui trình; định kỳ điều chỉnh, bổ sung vào qui hoạch những nhân tố mới có triển vọng và đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi qui hoạch. Có như vậy, công tác qui hoạch mới phát huy tác dụng và ý nghĩa thực hiện chiến lược về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, nhiều cán bộ các ban, ngành có năng lực thực sự nhưng không đưa vào qui hoạch, đây là thiếu sót, hạn chế về công tác tổ chức của một số ngành.

Kỹ năng của người lao động: theo thông tin mới nhất từ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đến cuối tháng 10-2011, Bến Tre đã giải quyết việc làm cho trên 26.200 lao động (đạt trên 110% chỉ tiêu kế hoạch năm), trong đó giới thiệu và cung ứng lao động cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh 4.330 người, xuất khẩu lao động 349 người. Địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình quốc gia về việc làm, đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, tăng cường các nguồn đầu tư vốn cho các đối tượng khó khăn để ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập thực tế. Tuy nhiên, hiện nay việc nâng cao chất lượng nhân lực tại địa phương đang phải đối đầu với nhiều thách thức, trong đó kỹ năng và tác phong làm việc là điều cần phải giải quyết trước mắt.

Lao động tại địa phương tập trung tại địa bàn nông thôn, tỷ lệ chưa qua đào tạo khá cao (60%), lực lượng lao động qua đào tạo phần lớn thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mới dừng ở mức sơ cấp. Điều này là yếu tố cản trở quá trình tiếp cận, áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và càng khó khăn khi bước vào sản xuất theo mô hình công nghệ cao. Do phần lớn lực lượng lao động xuất thân từ địa bàn nông thôn, sinh sống bằng nghề nông truyền thống nên chưa thích nghi với tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp với hoạt động lao động chủ yếu bằng máy móc, bằng điều khiển và công nghệ. Đây là nguyên nhân chính để lao động địa phương chưa hấp dẫn các doanh nghiệp và sức cạnh tranh yếu trên thị trường lao động.

Hiện nay, trong xã hội nói chung và các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động nói riêng đang quan tâm nhiều đến “kỹ năng mềm” cần có của người lao động. Nếu “kỹ năng cứng” chú trọng các thao tác kỹ thuật mang tính đặc thù nghề nghiệp, chuyên môn sâu được trang bị tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng thì “kỹ năng mềm” chú trọng các thao tác làm việc trong môi trường xã hội công nghiệp. Cụ thể là các thao tác của kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng tổng hợp thông tin, sử dụng công nghệ tin học và ngoại ngữ nâng cao hiệu suất làm việc…

Thực tế đó đòi hỏi hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm xúc tiến và giới thiệu việc làm tại địa phương cần đẩy nhanh quá trình thành lập bộ phận chuyên trách đầu tư trang bị “kỹ năng mềm” cho học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo và người lao động nói chung. Mô hình doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng kỹ năng nghề nghiệp và “kỹ năng mềm” cho người lao động gắn với quá trình đào tạo tuy là mô hình còn mới mẻ, song rất cần được đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN