Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4, chợ chanh Lương Quới (Giồng Trôm) lại sôi động hẳn lên. Những chiếc xuồng nhỏ cùng những chiếc xe máy, xe ba gác, xe đạp lần lượt chở những giỏ chanh còn tươi xanh từ các nơi đưa về chợ.
Chị Nguyễn Thị Đời, điểm thu mua chanh ở ấp Hòa Thạnh cho biết, thời điểm nghịch vụ, nhất là vào thời tiết nắng nóng như thế này, chanh rất có giá, các thương lái đổ xô về chợ để thu gom chanh. Nếu trước đây việc mua bán chanh theo con nước thì bây giờ nông dân đem chanh đến các chủ vựa tại chợ Lương Quới bất cứ giờ nào. Trường hợp không thể chở đi ra vựa được, người bán cứ điện thoại, chủ vựa sẽ vào tận nhà mua, nhưng trừ chi phí tiền xe. Chợ Lương Quới hiện có 6 chủ vựa chanh, mỗi ngày mỗi chủ vựa mua từ 5 đến 7 tấn. Chanh được đóng thùng chở đi các tỉnh.
Một điểm thu mua chanh ở chợ Lương Quới. Ảnh: T.L
Tôi đến nhà anh Tám Ca ở ấp 6, xã Lương Hòa. Anh có một héc-ta chanh, thường thu được 70, 80 triệu đồng/năm. Anh cho biết: Chanh có giá 38.000 đồng/kg, bà con nông dân mừng lắm. Nhờ chanh mà tôi có thêm điều kiện lo cho các con đến trường, đám tiệc, đóng góp làm đường đi, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt và giúp bà con trong ấp có hoàn cảnh khó khăn… Cho nên dù giá chanh có tăng hay giảm tôi cũng quyết giữ vườn chanh. Theo anh Tám, chanh được giá thì mừng, nhưng vào mùa mưa, từ tháng 5 trở đi, giá chanh chỉ còn 10.000 đồng/kg, có lúc còn 2.000 đồng/kg. Giá thấp thì thu nhập thấp, chứ anh không lỗ lã gì. Vừa ngồi lựa chanh, anh Tám vừa chỉ cho tôi xem “dấu tích” gai chanh xước da thịt còn bầm tím. Anh tâm sự: “Thịt da có bầm tím như vậy thì mới biết nỗi khổ của người nông dân tay lấm chân bùn, vì trồng chanh phải chuyên cần từ bồi bùn, tạo bóng mát cho chanh ra hoa mùa nghịch đến tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc chanh… Có siêng năng như vậy trồng chanh mới đạt hiệu quả cao”.
Hiện nay, diện tích trồng chanh của Giồng Trôm tập trung ở các xã: Lương Hòa, Thuận Điền, Châu Hòa, Lương Quới và Lương Phú. Chanh đang có giá và được tiêu thụ mạnh hiện nay là loại chanh giấy truyền thống. Để cây chanh tiếp tục phát triển, hàng năm, hội nông dân các xã đều tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật trồng và thông tin về giống chanh mới. Đối với những hộ khó khăn về vốn, các cấp hội xem xét tìm nguồn vốn vay tín chấp giúp hội viên nông dân nghèo ổn định sản suất.