Hoạt động của HTX nông nghiệp Định Thủy (Mỏ Cày Nam) góp phần giải quyết việc làm cho lao động và tiêu thụ nông sản địa phương.
Hợp tác xã là nòng cốt
KTTT và kinh tế nhà nước được xác định là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, đối với tỉnh có ngành nông nghiệp giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế như Bến Tre thì việc phát triển mạnh mẽ KTTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
KTTT của tỉnh phát triển trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, thủy sản, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải đến lĩnh vực tài nguyên và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, hợp tác xã (HTX) kiểu mới được xem là nòng cốt của KTTT đang từng bước được củng cố, phát triển, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về lao động, vốn, đất đai.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, KTTT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng HTX, tổ hợp tác (THT) tăng đáng kể. Theo đó, đến nay toàn tỉnh có 840 THT, 136 HTX (tăng 77 HTX so với năm 2003) và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau: nông nghiệp, thủy sản, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, lĩnh vực tài nguyên (khai thác cát) và quỹ tín dụng nhân dân. HTX nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, đến 58%.
Đã có hơn 7,5 ngàn lượt cán bộ quản lý nhà nước và quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức. 13 HTX nông nghiệp được thuê đất dài hạn, với tổng diện tích hơn 3.900ha. 3 HTX được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh khoảng 2,6 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ thành lập mới 69 HTX, hỗ trợ trang thiết bị làm việc 11 HTX và hỗ trợ thuê lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại 4 HTX, đầu tư kết cấu hạ tầng cho 2 HTX.
Đó là những tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển HTX nói riêng. Từ đó, góp phần giải quyết tốt hơn lao động tại nông thôn, thu nhập của xã viên không ngừng nâng lên và ngày có nhiều đóng góp tích cực trong công tác cải thiện sinh kế hộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mạnh dạn hợp tác
Các tỉnh như: Sơn La đã xây dựng được chuỗi giá trị của trái xoài, Bắc Giang xây dựng chuỗi vải, Đồng Tháp chuỗi xoài, Tiền Giang và Long An chuỗi thanh long mà nền tảng đều dựa trên HTX. Sản phẩm của nông dân Bến Tre phải tham gia chuỗi để phát triển bền vững, chuỗi phát triển toàn cầu.
(Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo)
|
Quan điểm của Nghị quyết số 13 là phát triển KTTT từ thấp đến cao, từ đơn giản đến quy mô và ứng dụng khoa học kỹ thuật - đó là xương sống của KTTT. Về việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào đời sống, sản xuất, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã dành nguồn vốn hoạt động tổ chức nhiều cuộc tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 2 ngàn người dân và 17 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, chủ yếu ở các THT trồng rau hữu cơ, bưởi da xanh, dừa hữu cơ. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho các HTX như công bố chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm “dừa uống nước xiêm xanh” và “bưởi da xanh”. Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện đăng ký 6 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm địa phương.
Thêm nữa, quan điểm của tỉnh khi xây dựng HTX là không được vội vàng, duy ý chí, làm theo kiểu phong trào mà cần thực hiện cho được nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, đôi bên cùng có lợi trong HTX và các THT. Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Con đường tất yếu để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi và phát triển phải từ con đường hợp tác hóa. Muốn nông sản Bến Tre không rơi vào cảnh “bán rẻ như bèo” thì chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, lấy nền tảng là kinh tế hợp tác, vì kinh tế hộ không còn hợp lý nữa”.
Là người đặt nhiều tâm huyết trong hoạt động HTX, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX bưởi da xanh Bến Tre (văn phòng đặt tại huyện Châu Thành) nêu bức xúc: Các chính sách hỗ trợ dành cho HTX được áp dụng quá ít. Đơn cử, chỉ vì cái tên một HTX có hai chữ “dịch vụ” (lĩnh vực du lịch) mà HTX này không được hỗ trợ thuê mặt bằng. Phải chăng chúng ta đang quá câu nệ câu chữ, dẫn đến chính sách ban hành nhưng khi vận hành thì vướng nhiều chỗ? Do đó, những cơ quan thực thi chính sách cần ngồi lại bàn, tháo gỡ khó khăn cho HTX, THT tiếp cận các chính sách, để những người làm HTX không thấy nản.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam chia sẻ: Cần xem nhân lực của HTX là những doanh nhân. Phương pháp lãnh đạo của cấp ủy đảng là phải đo lường, đánh giá lại hoạt động của HTX đã thành lập để gia cố; xác định sự tồn tại của HTX là mang tính sống còn đối với kinh tế địa phương, để các cấp ủy đảng chỉ đạo quyết liệt hơn…
Người dân muốn phát triển ổn định và làm giàu trên mảnh đất quê hương thì phải mạnh dạn hợp tác, liên kết với nhau để hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản xuất hàng hóa có chất lượng tương đồng, mẫu mã và số lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó cũng là xu thế chung hiện nay, bởi dư địa cho phát triển sản xuất theo chiều rộng gần như không còn, bắt buộc phải phát triển theo chiều sâu, theo hướng chuyên sâu, chuyên canh và chuyên nghiệp.
Bài, ảnh: Thạch Thảo