Chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường

24/11/2013 - 16:54
Lớp tập huấn phòng tránh bệnh tâm thần cho các em học sinh trung học cơ sở.

Trường học là nơi cho trẻ nhiều cơ hội, học tập giao lưu, chơi thể thao, tham gia các hoạt động nhóm, và được khen thưởng khi làm việc tốt. Hầu hết trẻ em thích ứng tốt với môi trường học đường.

Tuy nhiên, một số em gặp khó khăn lúc ban đầu, một số em thì nảy sinh vấn đề về sau… Để chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường gồm hai nội dung quan trọng là xác định và hỗ trợ các em gặp khó khăn khi đến trường trong học tập hay khi tham gia các hoạt động xã hội ở trường; đảm bảo môi trường học an toàn và hỗ trợ cho trẻ học tập và phát triển.

Một số trường học đã kết hợp giữa cán bộ y tế và giáo viên để chăm sóc tốt sức khỏe cho các em. Trong đó, giáo viên là quan trọng vì hầu hết mọi can thiệp ban đầu  đối với học sinh đều do giáo viên thực hiện. Giáo viên là người đầu tiên có thể đánh giá em nào đang gặp khó khăn hoặc có thể có vấn đề cần can thiệp.

Vấn đề đáng quan tâm trong học đường hiện nay là việc bắt nạt của những học sinh lớn, học sinh cá biệt… đối với học sinh khác, gây ảnh hưởng tâm lý không tốt cho các em; từ đó dẫn đến việc các em không thích đến trường, hoang mang, lo sợ có thể dẫn đến bệnh tâm thần. Do đó, giáo viên cần nắm bắt được vấn đề và đề ra biện pháp hỗ trợ phù hợp cho học sinh. Bản thân các em cần tự nổ lực, còn giáo viên chỉ là người gợi mở và hướng dẫn. Để làm được vấn đề này, giáo viên cần xây dựng sự tự tin của trẻ để cho trẻ tự cảm thấy tốt hơn về bản thân. Trước hết, giáo viên cần xây dựng cảm giác an toàn cho trẻ và để cho trẻ biết được mọi người đang mong đợi gì từ các em. Do đó, trường học phải có quy định và giới hạn rõ ràng cho các hành vi trong lớp học, như: khi phát biểu ý kiến phải giơ tay, phải biết lắng nghe ý kiến người khác, lịch sự khi người khác đang phát biểu, đảm bảo tất cả học sinh đều cảm thấy mình là thành viên và được hỗ trợ trong lớp học… Xây dựng ý thức về bản thân giúp trẻ nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của mình và cảm nhận được sự khác biệt của bản thân mình bằng các hoạt động giúp trẻ tự khám phá bản thân, trẻ chủ động giao tiếp với mọi người để nâng cao kiến thức của mình. Tăng cường ý thức thuộc về tập thể nhằm tạo cơ hội cho các em sinh hoạt theo nhóm, hỗ trợ nhau cùng học tập, thảo luận cách giải quyết xung đột qua thống nhất các giới và hành vi được chấp nhận, thường xuyên chỉ ra điểm mạnh cho trẻ, trẻ phải tương tác với các thành viên khác. Xây dựng ý thức sống có mục đích cho trẻ nhằm giúp trẻ xác định rõ mục tiêu cần đạt tới khi làm việc, trẻ tự xây dựng mục tiêu cần đạt được của bản thân và tự theo dõi tiến bộ của mình, từ đó rút ra những việc cần phải phấn đấu để đạt được, đưa ra gợi ý mang tính xây dựng.

Ngoài ra, tự bản thân các em phải biết cách vượt những khó khăn trở ngại, những tác động của môi trường sống, biết cách tự hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến bản thân bằng cách:

- Tránh những loại căng thẳng không cần thiết, những người gây căng thẳng cho mình, kiểm soát môi trường sống, tránh những đề tài gây bối rối, giảm dần danh sách “những việc cần làm”.

- Nếu không thể tránh được thì hãy thay đổi tình huống gây căng thẳng, hãy nghĩ ra những phương án ta có thể làm để thay đổi tình huống nếu lỡ nó xảy ra sau này. Thông thường, việc thay đổi cách giao tiếp và điều hành công việc sẽ giúp ta thay đổi hoàn cảnh.

- Nếu không thay đổi được tác nhân gây căng thẳng thì cần phải thay đổi chính mình, điều chỉnh lại cách nhìn nhận vấn đề, hãy “nhìn xa, trông rộng” hơn, điều chỉnh các tiêu chuẩn của bản thân, tập trung vào khía cạnh tích cực, điều chỉnh thái độ.

Vấn đề quan trọng là các em phải biết cách chấp nhận những gì không thể thay đổi được, đặc biệt là hành vi của người khác. Thay vì làm cho mình căng thẳng vì những thứ này, các em hãy tập trung vào những gì có thể kiểm soát được.

Bài, ảnh: Phòng Bảo trợ - Sở LĐ - TB & XH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN