Chăm sóc cây trồng sau hạn mặn

19/06/2020 - 08:20

BDK - Để giúp người nông dân có thêm thông tin về các giải pháp kỹ thuật phù hợp để phục hồi sinh trưởng, phát triển của cây trồng, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn TS. Võ Hữu Thoại - Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam xoay quanh vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Vườn sầu riêng có nước ngọt tưới giúp cây vượt qua giai đoạn khó khăn của hạn mặn. Ảnh: C.Trúc

* Phóng viên: Ông có đánh giá gì về ảnh hưởng của hạn mặn đối với vùng trồng cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng?

- Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Kết quả khảo sát của Cục Trồng trọt và các cơ quan liên quan cho thấy, tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tình hình diễn biến hạn mặn gay gắt và kéo dài nên diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng ước 80,6 ngàn ha (khoảng 23% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng), trong đó các loại cây ăn trái thuộc nhóm chịu mặn kém như: sầu riêng, chôm chôm... bị thiệt hại nhiều nhất.

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng. Mặn gây phá hủy cấu trúc đất. Đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.

Nông dân lưu ý khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái như sau: Nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ - <1‰): bơ, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt. Nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn từ 1 - 2‰): sơri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa. Nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn từ 3- 4‰): mít, xoài, mãng cầu xiêm, na.

Đặc biệt, nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn từ 5- 6‰): dừa, sapô, me, nho (tùy theo giống).

* Những giải pháp phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn?

- Sau hạn mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả và có kế hoạch phục hồi vườn cây. Nếu vườn cây có nhiều cây chết hoặc tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác.

Nếu hạn mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây/vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng dặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại của từng cây/vườn rất quan trọng để lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp. Có thể chia ra hai mức: nếu tán cây thiệt hại nhiều, cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả. Nếu tán cây thiệt hại không nhiều thì chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả.

Cắt tỉa những cành khô héo, cành chết do ảnh hưởng của mặn, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh. Cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn.

Sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi. Cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non. Đồng thời, sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ - sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển. Kế đến, bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn. Phun/tưới các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhất là chế phẩm có chứa các acid amin, như: Proline, Alanine, Leucine để tăng tính chống chịu, cải thiện chất lượng của trái cây.

* Đối với những vườn sầu riêng bị nhiễm mặn thì sao, thưa ông?

- Cây sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, cũng là cây chịu hạn kém. Việc khôi phục cây sầu riêng có nhiều bước.

Bước 1, rửa mặn cho đất bằng cách tưới ngọt liên tục từ  3 - 5 ngày (ngày tưới 2 - 3 lần mỗi lần 15 - 30 phút, tưới bằng béc phun) để rửa trôi muối tích tụ trong đất. Sau đó, tiến hành bón vôi 1kg/cây và tưới nước sạnh để vôi tan trong đất, các ion Canxi từ vôi sẽ đẩy các ion Natri bám trên bề mặt keo đất ra ngoài dung dịch để sớm bị rửa trôi.

Bước 2, phục hồi bộ rễ và bộ lá. Do hạn mặn đã làm cháy lá, rụng lá và làm hư hỏng bộ rễ nên phải phục hồi bộ rễ và bộ lá. Vì vậy, 7 - 10 ngày sau rửa mặn cho đất (bước 1) thì cần tiến hành bón phân để giúp cây sầu riêng phục hồi bộ rễ bằng cách sử dụng chế phẩm Rootwell với 20ml/20lít nước/cây  (hoặc phân cá ủ) cộng với 100g Rhizomyx/cây (lượng nước tưới 5 lít/cây); Rootwell, phân cá có chứa nhiều dinh dưỡng khoáng, hữu cơ, các Amino Acid và Vitamin cần thiết cho cây trồng có tác dụng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, giúp phục hồi bộ rễ, tăng đề kháng sâu bệnh. Phục hồi bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học (do bộ rễ bị hư hại do hạn mặn, nấm bệnh tấn công nên không thể hấp thu nước và dinh dưỡng để nuôi bộ lá mới). Sử dụng 50ml Vitazyme + 10g DS Gold/ 20 lít nước (Lượng nước phun 5 lít/cây).

Bước 3, hỗ trợ bộ lá phát triển. 10 ngày sau khi bón phân phục hồi bộ rễ và bộ lá (bước 2) thì tiến hành phun dưỡng chất hữu cơ sinh học để nuôi bộ lá phát triển. Sử dụng 50ml Silimax + 10g DS Gold/20 lít nước (lượng nước phun 7 lít/cây)

Bước 4, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá. Sau 10 ngày phun bón lá hỗ trợ bộ lá phát triển (bước 3), sử dụng chế phẩm dinh dưỡng tương tự như ở bước 2: tưới gốc bằng chế phẩm Rootwell 20ml/20 lít nước/cây + 100g Rhizomyx/cây, phun lá với 50ml Vitazyme + 10g DS gold/20 lít nước.

Bước 5, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp. Sau 20 ngày thực hiện bước 4 thì tiến hành bón phân cho cây sầu riêng. Bón gốc với 5-10kg phân hữu cơ/cây; phun lá: 50ml Silimax + 10g DS gold/20 lít nước.

* Giải pháp lâu dài ứng phó với hạn mặn đối với cây ăn trái?

- Các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là đánh giá nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng. Từ đó, quy hoạch lại vùng trồng thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp nước trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kênh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới. Nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới thích hợp cho từng vùng, từng giống cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng nước. Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với diều kiện hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu...

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN