Chấm dứt chiến tranh tạo động lực phá vỡ bế tắc tại Bán đảo Triều Tiên

22/02/2022 - 22:03

Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ tạo động lực tốt nhất để phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên và nối lại đối thoại."

Hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng phát ngày 28-1: Một vụ phóng thử tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất do Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên tiến hành tại một địa điểm không xác định. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum chiều 22-2-2022 đã tổ chức cuộc họp báo với phóng viên nước ngoài tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Seoul (SFCC) để thông báo về tình hình đại dịch COVID-19, quan hệ liên Triều, các mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và tình hình Ukraine.

Liên quan đến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho rằng mặc dù quan hệ liên Triều đã đạt được một số thành tựu to lớn song cũng có một số điều đáng tiếc.

Ông nêu rõ: "Mặc dù vẫn có một số ý kiến khác nhau về lộ trình phi hạt nhân hóa và những bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên, song những khó khăn này là một phần gánh nặng không thể tránh khỏi mà chúng ta cần phải chấp nhận trong tiến trình thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."

Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ tạo động lực tốt nhất để phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên và nối lại đối thoại."

Tuy nhiên, ông cho rằng Tuyên bố kết thúc chiến tranh không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết ngay lập tức mà "bản thân các chương trình nghị sự cần thể hiện sự cần thiết tuyệt đối về đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên để chấm dứt các hành động thù địch, phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên thông qua phát triển lòng tin lẫn nhau".

Về quan hệ Hàn-Mỹ, Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh rằng đó là "mối quan hệ dựa trên một liên minh toàn diện và cùng có lợi, bao gồm các lĩnh vực hợp tác khác nhau cả về kinh tế, quân sự và công nghệ."

Là một liên minh chia sẻ các giá trị chung, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tôn trọng lẫn nhau trên trường quốc tế và nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như hướng tới hòa bình hơn nữa ở khu vực Đông Bắc Á và rộng hơn.

Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Hai nước hiện đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù đã có một số thăng trầm trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn-Trung song "lòng tin cơ bản và sự hợp tác giữa hai bên không hề bị lung lay" và quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Về quan hệ với Nhật Bản, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho rằng "có một số điều đáng tiếc về mối quan hệ Hàn-Nhật hiện tại liên quan tới các vấn đề lịch sử, tranh chấp thương mại song phương... "

Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng đối thoại hướng tới tương lai giữa hai nước là cần thiết. Theo đó, các nhà lãnh đạo chính trị của hai nước cần có tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ tương lai và nỗ lực tạo bước đột phá bằng cách giải quyết những khác biệt (nếu có) và thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực có thể.

Về tình hình Ukraine hiện nay, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết chính phủ Hàn Quốc đang "đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn của người dân Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Ukraine."

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị đầy đủ cho sự gián đoạn về chuỗi cung ứng liên quan đến năng lượng và ngũ cốc cũng như những bất ổn kinh tế nảy sinh. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng rằng tình hình ở Ukraine sẽ không xấu đi nữa và sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao và đối thoại.

Đề cập đến đại dịch COVID-19, Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh rằng trong hai năm qua Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách "đặt cuộc sống của người dân lên hàng đầu".

Chính phủ Hàn Quốc đã và đang ứng phó với các diễn biến thay đổi của dịch COVID-19 một cách kiên cường, thành công trong việc cân bằng giữa các biện pháp chống dịch và nền kinh tế trong khi ghi nhận ít ca tử vong hơn nhiều lần so với các quốc gia khác.

Theo Thủ tướng Kim Boo-kyum, sở dĩ Hàn Quốc có được thành công đó "là nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện giãn cách xã hội và ý thức tuân thủ các quy tắc chống dịch của người dân."

Ông nhấn mạnh: "Để xử lý sự lây lan của biến thể Omicron, điều rất quan trọng là phải kiểm soát tốc độ gia tăng của các ca mắc mới, quản lý số ca tử vong và các ca bệnh nghiêm trọng đồng thời đảm bảo các chức năng thiết yếu của xã hội duy trì hoạt động".

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN