Cha mẹ anh hùng và những đứa con thành đạt

10/05/2010 - 08:32
Gia đình Anh hùng Đoàn Văn Thời và Trần Thị Tiết. Ảnh do gia đình cung cấp

Tình yêu của hai vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Văn Thời - Trần Thị Tiết được kết tinh bằng bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng. Nhưng bởi nghiệt ngã của chiến tranh, những đứa con Nhân - Nghĩa - Hiếu, đứa chưa thôi nôi, đứa vừa đầy tháng đã phải rời vòng tay mẹ. Dẫu vậy, tất cả họ đều vượt qua nghịch cảnh, tự tin khẳng định mình, nối nhịp cùng mẹ cha.

Nối nhịp…

Chẳng phải người mau nước mắt, nhưng mỗi lần nhắc đến mẹ mình Trung tá Trần Thị Bé Nhân lại rưng rưng. Vừa tròn một tháng tuổi, mẹ đã phải gửi Nhân về quê Giao Thạnh (Thạnh Phú) nhờ đồng đội  (người bạn tù) chăm sóc. Mỗi lần nghĩ về mẹ - hình ảnh người phụ nữ mới sanh đầy tháng, vừa chạy vừa gào thét theo ghe chở con gái bé bỏng đi, bất kể trước mặt mình là mương rạch hay bờ đất lỏm chỏm, cho tới khi bà ngất xỉu, Nhân nghe tim mình đau nhói... Chiến tranh kết thúc, các em về với gia đình, còn Nhân vẫn ở với nội Sáu (bà Sáu Tha). Dẫu chẳng ruột rà nhưng Bé Nhân rất yêu thương nội, không đành lòng bỏ người từng cưu mang mình để về với cha mẹ ruột. Và, cả nhà cũng chỉ có Nhân là không mang họ Đoàn, vì ngày xưa nội Sáu đâu biết họ cha chị. Bà “tự đặt” cho chị cái họ nhưng cũng may mắn là đã trùng với họ của mẹ… Nghịch cảnh chiến tranh là thế. Họ chẳng có được một gia đình trọn vẹn, dù điều ấy rất đỗi bình thường. Thiếu sự chăm sóc vẹn tròn thuở nhỏ, nhưng Nhân và cả hai em Nghĩa, Hiếu không vì thế mà chểnh mảng việc học hành. Ý thức vượt lên hoàn cảnh, tự trui rèn bản thân như thể đã ngấm sâu trong họ tự thuở nào. Người được về sống với gia đình, người không, nhưng tình yêu thương, sự quan tâm, giáo dục của họ vẫn được vun đầy bởi người thân ruột thịt và cả những người chung chí hướng. Nhân và Nghĩa chọn ngành công an, mà theo Nghĩa (Thiếu tá Đoàn Trọng Nghĩa - Phó Trưởng Công an huyện Chợ Lách): “Bởi đây là nguyện vọng của chị em tôi từ lúc nhỏ và được sự động viên, khích lệ của cha mẹ tôi lúc sinh thời. Mẹ tôi luôn dạy, bất cứ ngành nghề nào cũng là phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước, nhân dân. Nhưng cha, mẹ là những người đứng lên từ trong gian khổ, chúng tôi là những đứa con, muốn được tôi luyện trong môi trường lực lượng vũ trang, được bảo vệ thành quả của cha mẹ mình và biết bao đồng đội của họ đã phải hy sinh cả máu xương…”.

Nghĩa bắt đầu với ngành công an bằng nhiệm vụ giám thị trại giam, rồi cảnh sát cơ động, cảnh sát điều tra hình sự, Công an huyện Chợ Lách. Anh cho biết, dù đơn vị cũng có khó khăn riêng, nhưng với anh, cảnh sát điều tra đã cho anh nhiều điều kiện để rèn bản lĩnh của lính. Thiếu tá Đoàn Trọng Nghĩa tâm sự: “Thời gian công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, là một trong những lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm hình sự, có những lúc tôi cùng đồng đội của mình phải đối đầu với những đối tượng hình sự hung hản, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, những vụ trọng án vô cùng khó khăn phức tạp, thậm chí có nhiều lần bản thân bị đối tượng chống trả gây thương tích. Nhưng chính tình yêu đã giúp tôi vượt qua tất cả. Tôi yêu ngành, yêu nghề, nhiệm vụ cao cả của người công an và yêu sự yên bình của nhân dân…”. Muốn nói thêm rằng, trong thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, năm 2007, anh được Công an tỉnh Bến Tre chọn tham dự Hội nghị điển hình toàn quốc về công tác phòng chống tội phạm.

Còn chị cả Trần Thị Bé Nhân thi vào Trường Cao đẳng An ninh (nay là Học viện An ninh) ngay từ khi vừa tốt nghiệp cấp 3. Nhân bảo ngành công an đã cho mình rất nhiều điều. Đó là những ngày tháng trui rèn vất vả trong môi trường chính quy, những trở lực phải vượt qua trong quá trình công tác đối với nữ công an… Những lúc như thế, bản lĩnh, hành động anh hùng của cha mẹ như tiếp thêm ý chí cho chị. Nhân luôn tự nhủ rằng, có cha mẹ như thế, con cái phải sống và làm việc sao cho đẹp lòng người. Đảm đương nhiệm vụ Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, điều kiện công việc như là thử thách với chính bản thân người cán bộ cách mạng. Tiêu cực, tham nhũng rất dễ phát sinh. “Truyền thống gia đình đã cho tôi sự tự tin, vững vàng và cương quyết trước những cám dỗ” – Trung tá Nhân nói.

Chia sẻ về nghề nghiệp, Trung tá Trần Thị Bé Nhân cho biết, nữ làm công an không mạnh dạn, xông pha như nam giới nhưng cũng có lợi thế của mình. Cũng như mẹ chị - nữ anh hùng Trần Thị Tiết từng rất giỏi trong nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong kháng chiến - con gái Trần Thị Bé Nhân hôm nay là cán bộ giỏi trong nhiệm vụ tiếp cận đối tượng tội phạm. Trung tá Nhân chia sẻ: “Dù là tội phạm nhưng họ cũng là con người, cũng luôn hướng tới cái đẹp. Biết cương – nhu đúng lúc, cách nói nhẹ thường là lợi thế của nữ công an. Đặc biệt khi tiếp cận với tội phạm nữ, tâm lý của người cùng giới đã giúp cho nữ công an thuyết phục được đối tượng có phần nhanh hơn, dễ dàng hơn”.

Vì lý do sức khỏe, con gái út Đoàn Thị Bé Hiếu chọn cho mình lối đi riêng. Chị là cán bộ ngành Bảo hiểm. Không sôi nổi như anh chị mình, nhưng Hiếu từng có thời gian là Bí thư Đoàn xuất sắc, từng tham gia và đoạt thành tích cao trong hoạt động thể thao. Công việc dù không thật sự nổi bật, nhưng Hiếu luôn là niềm tự hào của gia đình. Bởi chị đã vươn lên từ chính nghịch cảnh của bản thân mình. Con còn nhỏ, chồng qua đời, bản thân đối mặt với những cơn bệnh tim, nhưng chị vẫn vững tin và bước đi.

* * *

Mẹ - anh hùng Trần Thị Tiết qua đời vì di chứng của những trận đòn roi tra tấn dã man; cha – anh hùng Đoàn Văn Thời cũng về với tổ tiên vì bệnh ung thư quái ác. Bây giờ, những đứa con của đôi vợ chồng anh hùng ấy đang tiếp tục bước đi, nối nhịp cùng niềm tự hào của truyền thống gia đình cách mạng. Ngày diễn ra sự kiện trọng đại – kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2010), chị em họ nghẹn ngào đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thay cho cha mẹ. Trong giây phút thiêng liêng ấy, những đứa con trong tâm trạng nhiều cảm xúc đan xen. Họ thầm cảm ơn những người đã từng cứu sống, nuôi dưỡng, giúp đỡ cha mẹ mình trong những lúc khó khăn, gian khổ, nguy hiểm tưởng chừng như không thể vượt qua. Họ xúc động bởi dù cha mẹ mình không còn nhưng vẫn được quan tâm… Như lời người chị cả - nữ Trung tá Bé Nhân: Cha mẹ không còn đó là nỗi bất hạnh của những đứa con. Nhưng dẫu sao, chị em tôi cũng có những tháng ngày hạnh phúc vì còn được cha mẹ đoàn viên sau ngày giải phóng. Đất nước này, có rất nhiều gia đình đâu được hạnh phúc ấy. Chiến tranh đã cướp đi của họ người cha, người mẹ hoặc tất cả…

Trong nỗi đau, họ vẫn thấy mình còn may mắn…

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN