Cây trồng giống mới thích ứng biến đổi khí hậu

24/10/2018 - 07:39

Đáp ứng xu thế phát triển và thích ứng biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Tỉnh đang phối hợp với các viện, trường trong khu vực để nghiên cứu, lai tạo, trình diễn một số giống mới có khả năng thích nghi cao trên đất Bến Tre, trong đó có cây nhãn và cây lúa.

Đại biểu tham quan điểm trình diễn các giống lúa mới. Ảnh: A.Nguyệt

Nhãn LĐ11 nhiều ưu điểm

Cây nhãn được xác định là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Cùng với nhãn Idor đã phát triển khá rộng (tại huyện Chợ Lách và Bình Đại), nhãn LĐ11 do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo có nhiều ưu điểm nổi trội, khả năng có thể thay thế cho các giống cũ kém hiệu quả và đang có dấu hiệu già cỗi để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế vùng trồng.

Hiện nay, một số vùng duy trì diện tích chuyên canh nhãn và nông dân đã làm giàu từ cây nhãn. Trong các giống nhãn được trồng, nhãn tiêu da bò (tiêu huế) chiếm đa số vì giống nhãn này đạt năng suất cao. Tuy nhiên, giống này bị nhiễm bệnh chổi rồng khá nặng, đây là một thách thức lớn đối với nông dân trồng nhãn. Để giải quyết khó khăn này, giải pháp giống nhãn có khả năng kháng được bệnh chổi rồng để thay thế là một trong những giải pháp được đưa ra hàng đầu trong quy trình quản lý tổng hợp quản lý bệnh chổi rồng.

Theo Thạc sĩ, Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các giống nhãn đã trồng, giống nhãn xuồng cơm vàng được khuyến cáo thay thế vì trọng lượng trái to, dày cơm, giòn ngon và đặc biệt kháng bệnh chổi rồng tốt. Nhưng nhược điểm là năng suất không cao lại rất dễ rụng trái, khó xử lý trái nghịch vụ nên nông dân không “mặn mà” với giống nhãn này.

Thời gian qua, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã lai tạo thành công giống nhãn LĐ11, mang những ưu điểm của giống nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng và khắc phục được những nhược điểm của hai giống nhãn này. Giống nhãn LĐ11 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép đưa vào sản xuất thử ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2016, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã ghép cải tạo thử nghiệm giống nhãn mới LĐ11 trên gốc nhãn tiêu da bò trong vườn nhãn của ông Huỳnh Công Đức ở xã Tam Hiệp với diện tích 0,3ha, đồng thời sản xuất thử nghiệm ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại. Qua thời gian theo dõi nhận thấy giống nhãn mới này thích nghi khá tốt.

“Giống nhãn LĐ11 có khả năng sinh trưởng mạnh hơn giống nhãn tiêu da bò, phiến lá dài to, đóng lá dày, màu xanh đậm. Phát hoa to, gié hoa dày, màu trắng kem. Nhãn LĐ11 có tán cây phát triển nhanh, tròn đều”, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.

Qua thực tế thu hoạch cho thấy, về hình dạng màu sắc bên ngoài của trái nhãn LĐ11 gần giống như nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, cuống to. Trọng lượng trái lớn hơn nhãn tiêu da bò, khoảng 75 - 80 trái/kg. Bên cạnh đó, giống nhãn LĐ11 có nhiều ưu điểm như dày cơm, độ dày thịt trái dày hơn nhãn tiêu da bò và tương đương xuồng cơm vàng. Hạt nhỏ, ít rụng trái (khắc phục được nhược điểm của xuồng cơm vàng). Về chất lượng, giống nhãn LĐ11 được đánh giá cao, thịt màu trắng trong, cơm ráo, giòn, thơm nhẹ và có vị  ngọt thanh.

Nhiều giống lúa chịu mặn

Tuy không nằm trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhưng cây lúa vẫn còn chiếm diện tích chủ yếu ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và còn diện tích khá ở huyện Bình Đại, Thạnh Phú. Thời gian qua, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL đã hỗ trợ, cung cấp cho tỉnh bộ giống lúa mới triển vọng. Qua đó, tỉnh đã trình diễn để tuyển chọn một số giống lúa thích hợp với địa phương, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh.

Qua quá trình theo dõi các chỉ tiêu nông học, khả năng chống chịu sâu bệnh và độ thuần, Viện Lúa ĐBSCL có 4 giống trình diễn được đánh giá khá cao như OM 138, OM 359, OM 348, OM 355. Hầu hết giống này có khả năng kháng đạo ôn, nhiễm vàng lá. Cây cứng, nhảy chồi khá, trổ nhanh. Các giống chịu mặn của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL được đánh giá khá tốt là Hatri 170, Hatri 190, Hatri 194.

Đây mới là kết quả bước đầu, từ năng suất thực tế, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá, đưa ra bộ giống triển vọng và có so sánh với các huyện để chọn tái cơ cấu giống lúa thích hợp cho từng vùng sinh thái trong tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã chọn một số giống dưa lưới, dưa lê có hiệu quả kinh tế cao để nông dân đưa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

So với cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh là heo, bò, gà, tôm. Hiện nay, người nuôi heo đang tìm, nhập nuôi các giống heo mới có ưu điểm thời gian nuôi ngắn, heo lớn nhanh hơn. Hay đối với con gà, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang được Ban Điều phối AMD tỉnh hỗ trợ nuôi, phát triển giống gà tam hoàng lai nòi cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được nhân rộng khá mạnh trong toàn tỉnh.

Mặc dù bò Ba Tri được đánh giá cao so với cả nước, với nhiều giống được cải tiến đạt chất lượng cao. Nhưng, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước, tỉnh cũng đang nghiên cứu tiếp cận các giống bò mới có nhiều ưu điểm hơn đang được thị trường thế giới ưa chuộng để giúp nông dân đổi mới con giống, nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN