Thạnh Phong, Thạnh Hải là 2 xã có diện tích trồng màu lớn nhất huyện Thạnh Phú với các loại màu chủ lực như: dưa hấu, sắn, đậu phộng và khoai lang. Hiện Thạnh Phong có 200ha màu tập trung ở 2 ấp Thạnh Lộc và Thạnh Lợi. Riêng Thạnh Hải có khoảng 300ha màu được trồng chủ yếu ở ấp Thạnh An, Thạnh Hưng A và Thạnh Hải.
Chị Liêu Thị Bưởi (sinh năm 1975) ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Hải đã có 8 năm trồng màu. Năm nào gia đình chị cũng trồng 2 vụ dưa hấu và 1 vụ sắn trên diện tích 2.400mỗ đất, mỗi vụ sau khi trừ đi chi phí chị lãi khoảng 20 triệu đồng. Chị Liêu Thị Bưởi chia sẻ: “Nhờ cây màu, cuộc sống gia đình tôi ổn định rất nhiều, lại có tiền lo cho các con ăn học; gia đình tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề này”. Anh Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1967, ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong cũng đã gắn bó với cây màu nhiều năm rồi. Nhờ cây màu mà gia đình anh có được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, con cái anh cũng đã ăn học thành đạt. Anh Tuấn cho biết: “Năm rồi, tôi lãi từ việc trồng màu khoảng 100 triệu đồng. Riêng vụ dưa hấu đợt này vừa bán xong, sau khi trừ đi chi phí, tôi lãi khoảng 30 triệu đồng”.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong cho biết: “Kinh tế chính của người dân xã ven biển là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và trồng màu. Cây màu được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân và góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo”.
Mặc dù số hộ nghèo của 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải vẫn còn cao so với các địa phương khác trong huyện, nhưng nhìn chung thì cuộc sống của người dân trong những năm qua có sự thay đổi rất lớn, các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng. Chính cây màu đã góp một phần quan trọng vào sự thay đổi ấy. Theo kết quả bình nghị hộ nghèo cuối năm 2012, xã Thạnh Hải có gần 340 hộ nghèo, chiếm 15,5% còn xã Thạnh Phong có 520 hộ nghèo chiếm 20,8% giảm 3% so với năm 2011.
Hiện nay, người trồng màu có nhiều thuận lợi vì ngoài kinh nghiệm tích lũy được thì người nông dân đã tiếp cận kỹ thuật trồng mới qua các buổi tập huấn, các buổi hội thảo hay qua các phương tiện thông tin đại chúng. Họ còn có điều kiện tốt hơn trong việc lựa chọn các loại giống mới cho năng suất cao và đạt chất lượng hơn.
Một thuận lợi nữa là xã Thạnh Phong, Thạnh Hải đang bước vào xây dựng xã văn hóa và nông thôn mới nên nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp dần được hình thành. Nhiều nông dân chia sẻ do trước đây đi lại khó khăn nên tốn nhiều chi phí vận chuyển nông phẩm, nay thì thương lái đến tận ruộng để mua nên chi phí đầu tư của người nông dân giảm, lợi nhuận nhiều hơn.
Tuy nhiên, người trồng màu vẫn còn gặp khó khăn như giá cả không ổn định, do phải bán sản phẩm qua trung gian nên nông dân thường bị các thương lái ép giá. Thời tiết thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến cây trồng và phát sinh dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất. Ngoài ra, các xã đã tích cực trong việc phối hợp mở các lớp tập huấn, hội thảo hỗ trợ khoa học kỹ thuật và cung cấp các giống mới cho nông dân nhưng chừng ấy thì chưa đủ và chưa phủ khắp được. Có một bộ phận nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên đôi khi sản xuất chưa theo qui trình thích hợp, làm giảm năng suất cây trồng.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Hà Văn Voi - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân; thành lập tổ hợp tác để người nông dân bán sản phẩm không qua trung gian, giúp cho nông dân có lợi nhuận nhiều hơn. Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong thì cho rằng: “Ngoài việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, buổi hội thảo, xã sẽ tổ chức tham quan các mô hình trồng màu hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, để nông dân học hỏi cách làm hay áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, xã cũng tích cực tìm đầu ra cho nông phẩm để người dân an tâm sản xuất”.