Xanh ngát rừng dừa quê hương, bài 3:

Cây dừa làm nguồn mạch sáng tạo

21/02/2020 - 07:18

BDK - Cây dừa đã đồng hành với đất và người Bến Tre qua bao thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, dừa lại trở thành nguồn mạch của ý tưởng sáng tạo mới. Qua khối óc và bàn tay lao động của người, dừa bừng lên sức sống mới, tươi tắn hơn bao giờ hết.

Đoàn viên, thanh niên Bến Tre tích cực sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới từ dừa. Ảnh: Thanh Đồng

Từ những điều giản đơn

Cuối năm 2019, cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ năm 2019” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức đã vinh danh Dự án “Giấy dừa Bến Tre” của anh Huỳnh Văn Cường (ấp Tích Khánh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc). “Giấy dừa Bến Tre” xuất sắc giành giải nhất, được chọn tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia” và tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019.

Kể lại hành trình chạm tay đến giải thưởng danh giá này, người thanh niên vùng quê Mỏ Cày bày tỏ, chính từ những đau đáu tìm kiếm giá trị cho cây dừa quê hương đã thúc đẩy anh sáng tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới ngay từ chính những phế phẩm của dừa. Từ lâu nay, cây dừa vốn đã được truyền tụng là loại cây “chẳng bỏ thứ gì”. Đúng như vậy! Phần thân của tàu dừa cạn và dừa nước người dân chủ yếu làm chất đốt, độn mương. Giờ, anh Cường tận dụng tạo ra loại giấy từ xơ dừa.

Công ty TNHH Escoco Vietnam có trụ sở tại ấp Tích Khánh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc ra đời đầu năm 2018 cũng từ mục tiêu đó. Người thanh niên trẻ mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua sắm công nghệ, máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất. Công ty từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất dòng sản phẩm giấy làm từ xơ của phần thân tàu dừa. Sau khi sơ chế thành bột giấy sẽ xeo thành giấy với nhiều kích thước và độ dày khác nhau.

Anh Cường chia sẻ: “Quê mình hầu như nơi nào cũng có dừa. Do đó, mình xác định nguồn nguyên liệu dồi dào. Đặc biệt, cây dừa nước có khả năng chịu mặn tốt hơn các loại dừa thông thường. Dự án sẽ giúp nâng giá trị của cây dừa, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như hoa giấy, vật dụng giấy, tranh xuyên sáng… làm quà lưu niệm độc đáo và đặc trưng, phù hợp cho khách du lịch đến tham quan tại tỉnh nhà”.

Theo anh Cường, giấy dừa của dự án là giấy phi gỗ, tức là không cần đốn cây mà vừa trồng cây vừa thu được nguyên liệu làm giấy. Vùng nguyên liệu càng nhân rộng thì diện tích phủ xanh càng nhiều, có tác động tích cực đến môi trường. Giấy dừa của dự án đã chào hàng sản phẩm nhiều đơn vị cung cấp bao bì và nhận được phản hồi rất tích cực. Đây là sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thân thiện với môi trường, tính thẩm mỹ cao, là xu hướng tiêu dùng hiện nay. Dự án ngoài việc tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, còn góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa dừa và hình ảnh người dân quê dừa đến bạn bè, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sức sống mới của dừa

Tính sáng tạo của người dân Bến Tre qua khai thác giá trị cây dừa trên nhiều khía cạnh, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà cả trong văn hóa dừa. Điển hình như ẩm thực về dừa cũng ngày càng phong phú và đa dạng.

Trong Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 đã diễn ra “Liên hoan ẩm thực xứ Dừa” với 300 món ăn, nước uống được chế biến từ nguyên liệu dừa, kết hợp cùng các nguyên liệu khác (số lượng nhiều nhất từ trước tới nay). Bên cạnh các món quen thuộc như: tép rang dừa, bánh xèo hến nước cốt dừa, bánh canh tép nước cốt dừa, thịt heo kho nước dừa, tôm luộc nước dừa, mắm kho dừa, ốc bươu um dừa, gỏi hải sản củ hủ dừa, còn có các món khá đặc sắc như: thịt chuột rô ti nước cốt dừa, thịt trâu xào lá cách nước cốt dừa, chình um nước cốt dừa trong trái bí… Các món bánh cũng không kém phần phong phú, như: bánh bắp nước cốt dừa, bánh bò hấp nước cốt dừa, bánh chuối đập nướng chấm nước cốt dừa, bánh lá nước cốt dừa, bánh plan dừa lá dừa, mứt dừa, xôi dừa cuốn bánh phồng… Các món ăn được chế biến từ dừa cũng được sử dụng nhiều trong hoạt động du lịch phục vụ du khách.

Trong hoạt động nghệ thuật, không thể không nhắc đến bộ nhạc cụ dừa nổi tiếng của nghệ nhân Ba Bá. Với tình yêu nhạc cụ dân tộc và tình cảm dành cho quê hương xứ Dừa, ông đã mày mò sáng tạo cho ra đời các nhạc cụ dân tộc từ chất liệu dừa như: đờn cò, đờn tranh, đờn kìm, đờn gáo, đờn bầu… (đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam). Từ khoảng 27 nhạc cụ lúc ban đầu (năm 2012) và chỉ từ chất liệu thân cây dừa và gáo dừa, đến nay, ông đã mở rộng sử dụng thêm chất liệu từ vỏ dừa và mo nang dừa. Đến nay, bộ nhạc cụ đã có hơn 120 sản phẩm. Bộ nhạc cụ này không chỉ được trưng bày trong tỉnh mà còn được mang trưng bày giới thiệu ở tỉnh Bình Dương, Bạc Liêu tại Festival Đờn ca tài tử do các tỉnh này đăng cai. Trong năm 2019, bộ nhạc cụ này đã được mang trưng bày tại hoạt động văn hóa tại Hà Nội.

Nhiều sáng tác âm nhạc về xứ dừa gắn với cây dừa cũng đã đi vào lòng người, trong đó không thể không kể đến bài hát nổi tiếng “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre…”. Bài hát đã được nhiều khán thính giả khắp cả nước biết đến, mỗi khi nhắc đến Bến Tre. Trong năm 2019, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Trại sáng tác tác phẩm âm nhạc có chủ đề “Ngày mới trên quê hương xứ Dừa”. Qua hoạt động trại sáng tác, đã có 25 tác phẩm âm nhạc về Bến Tre ra đời. Có thể kể đến như các tác phẩm như: Hát về quê hương Đồng Khởi (Phạm Minh Tuấn), Thấy dừa lại nhớ Bến Tre (Quốc Nam), Hát trên quê hương xứ Dừa (Nguyễn Văn Hiên), Sức sống Bến Tre (Giáng Son), Trái tim xứ Dừa (Huy An), Cung bậc xứ Dừa (Trần Minh Luân)…

Người Bến Tre có hệ văn hóa độc đáo, trong đó cây dừa luôn hiện hữu cùng với một ngành công nghiệp dừa đang vận động và phát triển mạnh mẽ, đầy triển vọng. Đây chính là một trong những giá trị cốt lõi của Bến Tre, là cơ sở để Bến Tre vươn xa hơn. Trước những thách thức của thời đại mới, những tác động của biến đổi khí hậu, người Bến Tre chung tay phát triển, giữ gìn, để rừng dừa mãi ngát xanh trên ba dải cù laon

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN