Câu chuyện khởi nghiệp với người giữ rừng

13/08/2018 - 07:42

BDK - Khởi nghiệp (KN) bình thường vốn đã không phải là chuyện dễ dàng. Câu chuyện “KN với người giữ rừng” của Trịnh Thị Ngọc Hiện (sinh năm 1988) và Nguyễn Tấn Vàng (sinh năm 1989) lại càng gian khó gấp bội phần. Bởi, thực tế hiện nay, nhiều người đang tìm cách “phá rừng” để nuôi tôm công nghiệp thì hai bạn đồng tâm với mục tiêu chung là tìm giải pháp phát triển, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng.

Chèo xuồng bắt cá trong khu du lịch sinh thái rừng.

Từ nâng giá trị thủy sản rừng

Ý tưởng được nuôi dưỡng, xuất phát từ buổi đầu Hiện tham gia thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn MSC cho con nghêu Bình Đại, Thạnh Phú. Cũng từ đây, Hiện có đủ tình yêu với rừng, với các loài tôm, cua, cá dưới tán rừng nói riêng và với hệ sinh thái rừng ngập mặn của Bến Tre nói chung. Hiện kể: Do chuyên môn là làm chứng nhận và quản lý phát triển cộng đồng nên khi bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là làm kinh doanh tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Lúc đầu cụ thể hóa ý tưởng, sử dụng vốn chỉ có 5 triệu đồng. Giờ nhìn lại thì đó mới là vốn mồi, thử nghiệm. Khi bước ra KN thật sự thì con số này tăng lên hàng trăm lần. Thật ra số tiền đầu tư KN, tính từ khi thành lập doanh nghiệp đến nay đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Việc tiếp cận các dự án hỗ trợ vốn đối với KN cũng là một điều khó khăn.

Một ý tưởng tuyệt vời nhưng ai cũng bảo khó. Muốn thành công đòi hỏi đôi bạn phải thật sự yêu rừng và công việc lắm chứ nếu chỉ KN đơn thuần, hay kinh doanh thủy sản thôi thì chắc rằng sẽ không thể vượt qua. Bày tỏ về điều này, Hiện tiết lộ sẽ đi từng bước, thay vì bây giờ rừng ngập mặn mang lại 100 triệu đồng/năm, sẽ nâng lên 150 triệu đồng/năm bằng cách nâng giá trị thủy sản rừng ngập mặn. Mức giá chênh lệch mà người tiêu dùng chi trả cao hơn so sản phẩm thường sẽ quay về với nông dân. Bước tiếp theo là phát triển đa canh, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm trong rừng để nâng cao năng suất. Bước ba là có thể phát triển các loại hình mới như du lịch sinh thái hoặc có thể nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm từ rừng.

Như vậy, việc xây dựng thương hiệu và các bước hiện nay được xác định đang ở giai đoạn đầu tiên, ươm tạo và manh nha. Cách để Hiện và Vàng đi từng bước là vừa kiếm tiền để vừa đầu tư phát triển. Có thể nói, việc KN của đôi bạn đang bám sát và đi theo nguyên lý của sự phát triển bền vững. Đó là phát triển cả ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cùng một lúc. “Với phương châm làm kinh tế nhưng phải dựa vào tài nguyên. Muốn phát triển bền vững thì không sử dụng tài nguyên một cách triệt để cạn kiệt mà ngược lại bồi dưỡng và tu bổ nó. Mong muốn những người đã từng quay lưng với rừng thì trong tương lai chính họ là những người sẽ quay lại trồng rừng” - Hiện tâm sự.

Đến xây dựng du lịch sinh thái rừng

Trụ sở công ty mới xây dựng trong năm 2018, cách chợ Đê Đông khoảng 50m, tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Đối với tuyến du lịch sinh thái rừng thì đây là điểm dừng chân đầu tiên để khách có thể tham quan hoạt động sơ chế, đông lạnh thủy sản trước khi vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh để phân phối, tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với dự án người giữ rừng thì đây là một trong hai hoạt động chính để giúp tiêu thụ ổn định nguồn lợi thủy sản bên trong rừng, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thủy sản cho người dân. Tại đây, các đoàn khách sẽ được tham quan phòng cấp đông thủy sản và được Hiện hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt nhiều loại cá nước mặn.

được tháp tùng cùng đoàn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để bắt đầu hành trình du lịch sinh thái trong rừng ngập mặn. Cùng đi với đoàn sinh viên có thầy Nguyễn Văn Trai - Phó giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành thủy sản. Đoàn khách hôm ấy giới hạn 6 người. Bởi theo Hiện, công ty chỉ tiếp đoàn khoảng 10 người trở lại để còn đảm bảo các điều kiện về giữ gìn sinh thái rừng chứ không chạy theo chỉ tiêu về doanh thu, số lượng sẽ dần làm hủy hoại môi trường thiên nhiên nơi đây.

Từ văn phòng công ty, chúng tôi được tàu chở vào nơi các bạn đang thử nghiệm mô hình du lịch sinh thái rừng, thuộc khu lâm trường 327, có cây rừng được 10 năm tuổi của huyện Bình Đại. Ngồi trên tàu, chúng tôi được quan sát hoạt động khai thác đánh bắt của người dân nơi đây; được giới thiệu vị trí của những bãi nuôi sò huyết… Ở phía cánh rừng có nhiều hộ dân đang sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Mái nhà sàn lợp lá và cây dầu gió khá chắc chắn tại nơi tàu cập bến là trạm dừng chân trước khi vào các lán trại được thiết kế bên trong khu sinh thái rộng khoảng 20ha. Hiện cho biết, để có khu này, các bạn đã gắn kết với những người bạn đang giữ rừng nơi đây để thực nghiệm mô hình. Sau khi nghỉ ngơi và ngắm bao quát cảnh rừng sâu, quyện hòa vào những làn gió rừng, cảm giác như đã rũ bỏ mọi tất bật, ồn ào bên ngoài. Một sự sống mới, yên tĩnh, nhẹ nhàng, thoải mái đang mở ra.

“Hiện tại các đại gia đốn rừng để nuôi tôm theo kiểu thâm canh, siêu thâm canh thì rất giàu. Nhưng nguy cơ lớn không đảm bảo sự bền vững lâu dài. Từ trước giờ, chi phí môi trường, doanh nghiệp vẫn để cho Nhà nước, người dân gánh chịu. Bây giờ chuyện này nên giảm bớt, chấm dứt mà thay vào đó là việc khai thác phải gắn với bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên để hướng đến sự phát triển bền vững” - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trai bày tỏ khen ngợi. Đó được xem như lời động viên, khuyến khích, đặt niềm tin cho “người giữ rừng” cũng như cho cộng đồng KN tỉnh nhà. 

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN