Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

19/11/2021 - 06:04

BDK - Từ đầu năm 2021 cho đến nay, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng hay còn gọi là tội phạm công nghệ cao (CNC) có xu hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh, đã xảy ra trên 10 vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên không gian mạng, với số tiền thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử các bị cáo tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tiền thẻ ATM.

Thủ đoạn của tội phạm là chúng giả mạo tài khoản Facebook, Zalo hoặc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo… của cá nhân. Tội phạm giả mạo là chủ tài khoản để liên hệ thân nhân, bạn bè của các chủ tài khoản mạng xã hội này để xin tiền, mượn tiền, nhờ mua giúp thẻ cào điện thoại, mở giúp tài khoản ngân hàng... với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền. Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản ngân hàng (nhờ mở giúp) vào các hoạt động phạm tội khác.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền (qua App, gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại hoặc đăng thông tin cho vay lên mạng Internet, mạng xã hội và cung cấp số điện thoại để bị hại liên hệ). Đối tượng lừa đảo đưa ra thủ tục vay tiền đơn giản là chỉ cần chụp hình người vay, ảnh chứng minh nhân dân, cung cấp tài khoản ngân hàng của người vay, số điện thoại của người thân hoặc tải và cài đặt các App vay tiền do chúng cung cấp. Khi người vay không có tiền trả nợ đến hạn, chúng gây áp lực đối với người thân của con nợ để buộc trả tiền. Có nhiều trường hợp, đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền cho chúng nhiều lần, với lý do là để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay cần phải điều chỉnh (tốn phí); khi người vay chuyển tiền xong theo yêu cầu của đối tượng thì chúng cắt đứt liên lạc (người có nhu cầu vay bị mất tiền, trong khi chưa nhận được tiền vay).

Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng hù dọa người dân để chiếm đoạt tiền. Tội phạm giả danh nhân viên nhà mạng, lừa đảo chủ thuê bao điện thoại di động để lấy mã OTP (mật khẩu bảo vệ cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến…) của chủ sử dụng để đăng nhập vào các ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart…) để chiếm đoạt tiền.

Tội phạm CNC cũng LĐCĐTS bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào sàn tài chính ảo (sàn chứng khoán, ngoại hối…) kêu gọi người dân tham gia đầu tư mua tiền ảo để LĐCĐTS. Các đối tượng mời gọi tham gia sàn giao dịch rất hấp dẫn như: lãi suất cao, thắng sẽ có rất nhiều tiền, khi tham gia chơi chỉ có lợi nhuận chứ không có rủi ro. Nếu giới thiệu người khác tham gia đầu tư thì được hưởng tiền hoa hồng. Sau một thời gian tham gia đầu tư, nếu nhà đầu tư (người chơi) không tiếp tục bỏ tiền thêm để đầu tư hoặc không giới thiệu được người nào khác tham gia đầu tư vào các sàn tài chính ảo này thì các đối tượng sẽ cho “sập sàn”, chúng cắt đứt liên lạc với nhà đầu tư và bỏ trốn.

Thông qua mạng xã hội, đối tượng còn tạo ra một số ứng dụng (App) chăn nuôi, mua bán trên nền tảng Android, iOS với lời dẫn dụ hấp dẫn để kêu gọi người đầu tư. Người tham gia dùng tiền thật chuyển đổi thành tiền ảo để mua, nuôi các cá thể trong App. Đến khi hoàn thành quy trình, thu hồi vốn, rút tiền thì đối tượng khóa tài khoản (nick), xóa chương trình, cắt liên lạc. Kết quả là người tham gia đầu tư bị “trắng tay”.

Gần đây, đa số các trường học trên địa bàn tỉnh đều tiến hành dạy học trực tuyến để đảm bảo thời gian học tập cho học sinh. Tội phạm CNC đã đăng nhập hình ảnh và các nội dung quấy rối vào các lớp học trực tuyến. Hậu quả, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, làm mất uy tín của giáo viên và nhà trường.

Để ngăn chặn loại tội phạm trên, cơ quan chức năng tỉnh đề nghị những công việc thiết thực như sau: Đối với giáo viên, cần được tập huấn kỹ về các phần mềm dạy học trực tuyến; điểm danh học sinh trước khi dạy và khóa lớp học khi đầy đủ học sinh (đối với phần mềm có chức năng khóa); tắt chức năng chia sẻ màn hình và âm thanh của học sinh, chỉ mở khi cần thiết. Đối với phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không cung cấp ID, đường link của lớp học cho người lạ, người không rõ lai lịch.

Tội phạm CNC diễn biến phức tạp và gây nhiều tác hại to lớn. Công tác phòng chống tội phạm CNC không chỉ riêng của ngành công an mà cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương. Trong đó, có vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản cho chính bản thân, gia đình mình và phải tích cực phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN