Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

30/05/2018 - 08:39

Các nạn nhân bị lừa đảo đến trình báo tại cơ quan công an.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2017, địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 8 vụ so với năm 2016, tài sản thiệt hại trên 2 tỷ đồng (chưa kể các vụ nạn nhân không trình báo với cơ quan công an). Từ đầu năm 2018 đến nay, xảy ra 7 vụ lừa đảo, tài sản thiệt hại 711 triệu đồng. Có 10 vụ đối tượng lợi dụng mạng xã hội và điện thoại giả danh người của cơ quan công quyền để thực hiện hành vi lừa đảo; trong đó có nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 1 tỷ đồng.

Lừa đảo qua mạng xã hội

Các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội hoạt động ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng công nghệ cao tấn công vào giao dịch điện tử để chiếm đoạt tiền; thông qua mạng xã hội để kết bạn, làm quen rồi lừa tình và tiền của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin; hack tài khoản facebook để nhờ bạn bè, người thân của nạn nhân mua thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản riêng rồi chiếm đoạt. Gần đây, bọn chúng còn sử dụng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội, giả vờ gửi quà có giá trị lớn từ nước ngoài về, bố trí người giả làm nhân viên sân bay, nhân viên bưu điện đến yêu cầu các nạn nhân nộp lệ phí làm thủ tục nhận quà rồi chiếm đoạt. Trong tháng 3-2018, chị Nguyễn Thị P. ở Phường 8, TP. Bến Tre sập “bẫy lừa” của bọn tội phạm sử dụng chiêu thức gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam, bị chúng chiếm đoạt mất số tiền trên 400 triệu đồng. 

Một phương thức lừa đảo qua mạng xã hội mà nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã sập bẫy đó là gửi tin nhắn rác qua mạng xã hội Facebook, Garena và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu Honda, Piaggio... nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Để dụ dỗ người dùng truy cập vào website lừa đảo, bọn lừa đảo gửi hàng loạt tin nhắn với nội dung thông báo chương trình trúng thưởng, yêu cầu người dùng truy cập và điền đầy đủ thông tin vào website này, các thông tin cá nhân của người sử dụng tự động được lưu tại email của bọn chúng. Liên hệ theo số đăng tải trên website, bọn lừa đảo tự giới thiệu mình là nhân viên chăm sóc khách hàng của chương trình trúng thưởng để yêu cầu người dùng thực hiện việc nộp lệ phí làm hồ sơ, thuế để nhận giải thưởng. Trong quá trình này, nếu như người dùng không chấp nhận thực hiện theo yêu cầu hoặc thực hiện hết toàn bộ các yêu cầu thì bọn chúng hứa hẹn sẽ đảm bảo thực hiện đúng cam kết của chương trình về việc trao thưởng đầy đủ. Nhưng thực chất tất cả nội dung chương trình khuyến mãi chỉ là một trò lừa đảo. Nhiều người đã bị lừa với phương thức này; trong đó có anh Mai Tấn T. ở Phường 6, TP. Bến Tre, bị lừa mất 81 triệu đồng, chị Trần Thị K.T. ở thị trấn Ba Tri bị lừa 77 triệu đồng.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thời gian gần đây, nhiều thông tin liên quan tới thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng gia tăng. Những kẻ lừa đảo sẽ giả mạo người thân, bạn bè của các nạn nhân và nhờ nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Các đường link giả mạo trang web chuyển tiền quốc tế sẽ được cung cấp. Khi nạn nhân truy cập vào các đường link này sẽ ngay lập tức bị đánh cắp thông tin và bọn xấu sẽ sử dụng thông tin đó để thực hiện các giao dịch lừa đảo mà nạn nhân không hay biết. Mọi người nên đề cao cảnh giác, đề phòng “sập bẫy” lừa của loại tội phạm này.                    

Ngoài thực hiện các phương thức lừa đảo mới như đã nêu trên, bọn tội phạm còn sử dụng những thủ đoạn đã cũ như “diễn kịch” đánh rơi miếng kim loại màu vàng rồi cố tình để nạn nhân nhìn thấy hoặc lượm được, sau đó quay lại tìm miếng vàng bị đánh rơi. Trong các tình huống đối thoại với nạn nhân, bọn chúng hứa chia phần tài sản cho nạn nhân và yêu cầu nạn nhân giữ giùm miếng vàng do bọn chúng đánh rơi; đồng thời, phải đưa tiền hoặc tài sản đang mang theo cho bọn chúng giữ làm tin, rồi hẹn địa điểm trả lại tài sản cho nhau nhưng sau đó bọn chúng không đến, nạn nhân đem vàng của bọn chúng đi kiểm tra mới phát hiện là vàng giả. Ngày 21-3-2018, bà Nguyễn Thị P. ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre đã bị lừa mất số tiền 25 triệu đồng cùng chiếc nhẫn 5 chỉ vàng 24k.

 Để tránh bị lừa đảo, mọi người cần phải nêu cao ý thức cảnh giác: khi nhận được các thông tin thông báo qua điện thoại hoặc từ mạng xã hội phải kiểm tra lại thật kỹ mới tiến hành thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng; nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin, tránh bị các đối tượng lừa đảo; không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân, giấy chứng minh nhân dân, số điện thoai của bản thân và gia đình cho các đối tượng, đừng tin vào giá trị tài sản do các đối tượng đánh rơi nói ra; không giao tiền hoặc tài sản của mình cho những người nói rằng họ là nhân viên sân bay hoặc nhân viên bưu điện đến lấy phí làm thủ tục nhận quà có giá trị lớn từ ngước ngoài gửi về do người gửi làm quen qua mạng xã hội… Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để tiến hành xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn không để bọn tội phạm thực hiện được hành vi phạm tội.

Bài, ảnh: Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN