Nâng cao ý thức học sinh trong tham gia giao thông, bài 1

Cảnh báo tình trạng vi phạm an toàn giao thông

10/04/2024 - 05:26

BDK - Thông tin từ ngành chức năng, tình trạng học sinh (HS) vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng thì rất cần sự phối hợp của gia đình trong tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn con em mình.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh thực hiện tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, TP. Bến Tre.  Ảnh: Hữu Trí

Chiếm 11% số vụ tai nạn giao thông

Quan sát tại các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, không khó bắt gặp hình ảnh HS còn vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Nhất là ở một số tuyến đường huyện, không ít nhóm HS đi học bằng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, thậm chí có cả HS chạy xe mô tô khi không có giấy phép lái xe... Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Mới đây, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an huyện Châu Thành phát hiện 37 trường hợp là HS Trường THPT Diệp Minh Châu và THPT Nguyễn Huệ điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi để đi học.

Trao đổi vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Võ Văn Bé Hai cho biết: Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo TTATGT. Đặc biệt là việc tham gia giao thông của HS. Tuy nhiên, gần đây tình trạng HS sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ khi chưa đủ tuổi lái xe, điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe khá nhiều. Nhiều trường hợp đã được CSGT xử phạt vì những hành vi trên.

Theo thống kê của Phòng CSGT, trong năm 2023, đã xử lý hơn 1,3 ngàn trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở lứa tuổi HS, chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp bị xử phạt. Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 18 vụ TNGT liên quan đến người tham gia giao thông ở lứa tuổi HS, chiếm hơn 11% trong tổng số vụ TNGT, đã để lại nhiều hệ lụy thương tâm.

Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng ghi nhận nhiều trường hợp HS sử dụng xe đạp điện, xe máy điện khi điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, chở người không đội mũ bảo hiểm, thay đổi, “độ, chế” pin, bình ắc-quy của xe đạp điện, xe máy điện để gia tăng công suất, tốc độ hoạt động của xe làm khác với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Đây chính là những hành vi không đảm bảo ATGT, vi phạm pháp luật về TTATGT cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, đảm bảo TTATGT”.

Sử dụng phương tiện không đúng quy định

Một trong số các HS bị lực lượng CSGT huyện Châu Thành phát hiện lập biên bản, tạm giữ phương tiện do điều khiển xe mô tô đến trường khi chưa đủ tuổi cho hay: “Bình thường em đi xe đạp điện nhưng do bình hết điện sợ trễ giờ học nên đi xe gắn máy”. Khi được hỏi về việc tại sao lại sử dụng xe máy khi không đủ điều kiện quy định, một số em cho biết chỉ nghĩ đơn giản là đi được nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Thậm chí có trường hợp “độ” xe máy điện, xe đạp điện để “oai” hơn các bạn khác mà chưa nhận thức đầy đủ về những mối nguy cơ về TNGT cũng như chưa nắm rõ hết các quy định của pháp luật về ATGT. Có nhiều trường hợp biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh thực hiện tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hữu Trí

Lưu ý tình trạng HS vi phạm các quy định ATGT, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho rằng: Nhà trường cần quan tâm hơn đến việc kiểm soát, quản lý việc HS sử dụng phương tiện giao thông. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, cũng như có biện pháp răn đe các em không được sử dụng phương tiện giao thông không đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phụ huynh vẫn là người giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng này, không giao phương tiện cho các em sử dụng khi không đủ điều kiện.

Đối với việc quản lý HS sử dụng phương tiện giao thông, hàng năm, vào đầu năm học, ngành GD&ĐT đều chỉ đạo các trường phổ biến, tuyên truyền các quy định về ATGT đối với HS. Đồng thời, tổ chức cho HS và phụ huynh ký cam kết tham gia giao thông an toàn.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành) Phan Thị Thúy Hằng cho biết: Để hạn chế tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông, Trường THPT Nguyễn Huệ đã triển khai đến toàn thể HS và thông báo đến phụ huynh những quy định khi tham gia giao thông trong mỗi dịp họp ban đại diện cha mẹ HS. Đồng thời, cho HS cam kết không vi phạm về độ tuổi sử dụng xe và phụ huynh cam kết không giao xe gắn máy, xe phân khối lớn cho HS đi học.

Tại điểm a, Khoản 4, điều 21, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt từ 400 - 500 ngàn đồng đối với hành vi người chưa đủ tuổi điều khiển xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Nếu chủ phương tiện có hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với chủ xe là cá nhân và từ 1,4 - 4 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức.

Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN