Bị can Phạm Tấn Đang trong vụ giết người tại huyện Thạnh Phú.
Đơn cử như vụ giết người xảy ra tại Thạnh Phú ngày 28-9-2018. Người trong cuộc là Phạm Tấn Đang, sinh năm 1984, ngụ xã Bình Thành, huyện Thạnh Phú và Trịnh Minh Hùng Em là công nhân làm chung công trường. Vào ngày xảy ra vụ việc, sau khi Đang đi nhậu về, giữa Đang và Hùng Em xảy ra cự cãi. Do không kiềm chế được khi nghe lời mắng chửi của Hùng Em nên giữa hai người có xô xát dẫn đến Đang đánh Hùng Em tử vong.
Chỉ vì một phút nóng giận không kiềm chế được bản thân mà nhiều người phải hối hận và trả cái giá đắt cho sự manh động thiếu suy nghĩ của mình. Bị can Phạm Tấn Đang bày tỏ sự ăn năn: “Tôi rất hối hận về việc làm thiếu kiềm chế trong lúc nóng giận của mình. Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ bình tĩnh hơn, lựa chọn cách hành xử khác không để xảy ra sự việc thương tâm như vậy”.
Càng đáng buồn hơn khi đây không phải là vụ án mạng duy nhất xảy ra trong năm tại tỉnh. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ giết người đều do nguyên nhân xã hội. Qua công tác điều tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án giết người, phần lớn xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát nhất thời và hầu hết nạn nhân và thủ phạm đều rơi vào độ tuổi thanh niên.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đáng báo động trên là do môi trường xã hội còn nhiều mặt trái tác động vào giới trẻ như: các hình ảnh bạo lực từ sách báo, phim ảnh, internet, trong khi một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên ngày càng thiếu kỹ năng sống do sự ảnh hưởng tiêu cực của xã hội và thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình và nhà trường dẫn đến lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm, xem thường luật pháp, thái độ bàng quan, ích kỷ và lối ứng xử kém văn hóa.
Bên cạnh những vụ án mạng do mâu thuẫn bộc phát nhất thời thì những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân âm ỉ không được giải quyết dứt điểm khiến ngày càng trầm trọng hơn, đến lúc không thể dung hòa được, có thể dẫn đến nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình như vụ ông Phan Văn Nghiêm dùng búa tước đoạt mạng sống của chính em ruột của mình là ông Phan Văn Miên tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Do nhà gần nhau nên cả hai thường nhậu chung và cũng thường xuyên xảy ra cự cãi. Vụ việc xảy ra nhiều lần và kéo dài khiến việc hai người cự cãi trở thành chuyện thường ngày. Ngày 21-9-2018, khi ông Miên uống say đã nặng lời chửi bới, thách thức và dùng búa tấn công ông Nghiêm. Trong lúc xô xát, ông Nghiêm đã đoạt búa chém lại làm ông Miên chết ngay tại chỗ.
Từ các vụ án trên có thể thấy, chỉ xuất phát từ tính côn đồ, có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực mà nhiều người đã dễ dàng tước đi mạng sống của người khác bất chấp đạo đức xã hội và pháp luật.
Để phòng ngừa tình trạng giết người gây ra do nguyên nhân xã hội trong thời gian tới, Thượng tá Lê Quang Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đề nghị: Chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân để mọi người nâng cao hiểu biết về pháp luật và hình thành ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt, các đoàn thể ở cơ sở, tổ nhân dân tự quản phải tăng cường nắm tình hình, kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến xảy ra án mạng. Gia đình và nhà trường cần tăng cường phối hợp quản lý giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì một cuộc sống bình yên, mỗi người phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, mọi người phải yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết mọi mâu thuẫn dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và quy định của pháp luật, cùng nhau chung tay đẩy lùi tội phạm giết người ra khỏi đời sống xã hội.
Bài, ảnh: Thu Trang