Cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra bất chấp sự phản đối gay gắt của Triều Tiên.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại, sau khi ngay trong sáng 29/11, Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục dành cho nhau những lời lẽ gay gắt nhất, trong bối cảnh cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc bước sang ngày thứ hai, bất chấp sự phản đối gay gắt của Triều Tiên. Đáng chú ý, cuộc tập trận này diễn ra chỉ 5 ngày sau cuộc giao tranh dữ dội bằng đạn pháo giữa hai miền Triều Tiên, trong diễn biến nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên trong vòng hơn 60 năm qua.
Trong sáng 29/11, CHDCND Triều Tiên một lần nữa lên tiếng phản đối kịch liệt cuộc tập trận chung quy mô lớn có bắn đạn thật và ném bom của hải quân hai nước Mỹ và Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, với sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington của Mỹ, cùng 6 tàu chiến hiện đại nhất của Hàn Quốc. CHDCND Triều Tiên gọi đây là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và là "tội ác" nhằm đẩy bán đảo Triều Tiên tới "bờ vực chiến tranh".
Cùng ngày, đáp lại tuyên bố cứng rắn này của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng Bak đã thề sẽ buộc CHDCND Triều Tiên "trả giá" cho bất kỳ hành động “khiêu khích nào trong tương lai”, sau vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, và khoảng 20 người khác bị thương.
Trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc sáng 29/11, ông Lee Muyng Bak: "Tôi không thể thể miêu tả được hết sự tức giận trước hành động này của CHDCND Triều Tiên. Tôi cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm trên cương vị một Tổng thống khi không bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân trước vụ pháo kích này”.
Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục được tiến hành khẩn trương. Ngày 28/11, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất các trưởng đoàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên họp khẩn cấp tại Bắc Kinh vào đầu tháng 12 tới, để tham vấn về tình hình hiện nay.
Trong tuyên bố đưa ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ nhấn mạnh: “Trung Quốc tin tưởng rằng, việc cần làm là các trưởng đoàn đàm phán sáu bên, những người gánh vác trách nhiệm thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung ngày 19/9/2005, nhóm họp để trao đổi quan điểm về các vấn đề chính, và đóng góp xứng đáng vào duy trì hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giảm bớt căng thẳng tại Đông Bắc Á”.
Đáp lại lời kêu gọi này của Trung Quốc, rạng sáng 29/11, theo giờ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho rằng trước khi tiến hành cuộc tham vấn khẩn cấp giữa các bên, CHDCND Triều Tiên cần có hành động rõ ràng nhằm chứng tỏ thiện chí của mình.
Tuyên bố này khiến dư luận lo ngại, vì rõ ràng có khoảng trống quá lớn về quan điểm giữa các bên liên quan. Trong khi Trung Quốc muốn tổ chức một cuộc gặp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình hình, thì Mỹ lại muốn có thêm thời gian để thảo luận vấn đề này với các đồng minh của mình là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong diễn biến liên quan, ngày 30/11, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao của CHDCND Triều Tiên, ông Choe Thae Bok, sẽ thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc của một quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên kể từ sau vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên./.