Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thăm gian hàng bưởi da xanh của các hợp tác xã tại hội chợ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi dừa
Thời gian qua, các DN ngành dừa như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty cổ phần XNK Bến Tre (BETRIMEX), Công ty TNHH Hào Quang, Công ty TNHH thực phẩm Dừa Xanh đã gắn kết tiêu thụ với nông dân bằng 2 hình thức: mua trực tiếp dừa trái, dừa hột từ các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở, các DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX, với mức giá sàn đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50 ngàn đồng/chục dừa.
Lũy kế từ năm 2017 đến nay, các DN đã liên kết tiêu thụ 71,6 triệu trái. Bên cạnh việc vận động DN tham gia liên kết chuỗi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các sở, ngành tỉnh cũng đã hỗ trợ DN ngành dừa đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Lũy kế từ năm 2017, vốn khuyến công đã hỗ trợ DN ngành dừa thực hiện 29 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ 6,529 tỷ đồng, thu hút 39,743 tỷ đồng vốn đầu tư từ DN.
Trong đó, có DN phát triển các điểm, cơ sở sơ chế dừa tại các huyện. Điển hình có Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới xây dựng 2 cơ sở sơ chế dừa tại xã An Định (Mỏ Cày Nam) và xã Phong Nẫm (Giồng Trôm), công suất sơ chế 20 ngàn trái/ngày, tương đương 7 tấn cơm dừa tươi/cơ sở. Công ty cũng đang lắp đặt 2 cơ sở khoan lấy nước dừa để đóng hộp, tại xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) và xã Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc).
Các DN tổ chức thu mua và sơ chế dừa tại các HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 9/18 HTX đã tổ chức thu mua dừa của thành viên HTX, trong đó HTX Nông nghiệp Định Thủy (Mỏ Cày Nam) tổ chức sơ chế dừa để tăng thêm giá trị trái dừa.
Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành chia sẻ về kinh nghiệm trong hợp tác: Trong quá trình hợp tác gắn với nông dân, DN phải mang lại lợi ích cho nông dân, kể cả trước mắt và lâu dài. Trước vấn đề đó, khi tham gia liên kết với đơn vị, người dân được hưởng nhiều quyền lợi như tập huấn kỹ thuật canh tác, chính sách về giá dừa, hỗ trợ phân bón…
DN đang đặt mục tiêu đến năm 2025 là phát triển 10 ngàn ha dừa hữu cơ. Là một chuỗi sản xuất, DN khẳng định trách nhiệm tìm công nghệ hiện đại, khai thác, tìm kiếm thị trường mới liên tục để phát huy tiềm năng, hiệu quả cây dừa Bến Tre. Bởi nếu chậm một nhịp, DN đã có thể thua ngay trên sân nhà… Đây là sự quyết định sống - còn của DN và cũng là trách nhiệm của DN với chuỗi dừa, với cây dừa và người trồng dừa địa phương.
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới dự kiến tháng 9-2022 sẽ ký kết liên doanh hợp tác theo chuỗi giá trị dừa. Trái dừa muốn tăng giá trị thì cần đa dạng phụ phẩm. Do đó, DN đang quyết tâm đầu tư các HTX sơ chế tại địa phương (tại gốc). Sau đó, tất cả cơm dừa và phụ phẩm đều đưa về nhà máy để làm ra sản phẩm cuối cùng. Hiện nay, các công đoạn xe chỉ, ép kiện đã được đầu tư, tạo thành hệ thống sản xuất tuần hoàn, khép kín chuỗi để giúp nâng cao giá trị trái dừa.
Cần phát triển chuỗi theo chiều sâu
So với chuỗi dừa, các chuỗi nông sản chủ lực còn lại của tỉnh chưa có DN tham gia hoặc mới chỉ tham gia khâu đầu vào. Cũng có một số chuỗi, DN tham gia còn mang tính hình thức, như xây dựng vùng trồng nhưng không thực hiện thu mua sản phẩm, gây mất niềm tin của nông dân tại vùng trồng đó.
TS Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khẳng định: Cần phát huy vai trò của từng thành phần trong chuỗi là nông dân làm chủ, HTX làm chủ thể chuỗi. Nhà nước nâng cao vai trò hỗ trợ. DN đóng vai trò dẫn dắt.
Theo TS Bùi Thanh Liêm, huyện Chợ Lách có các loại cây trồng chủ lực là sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh và cây giống. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng các chuỗi. Tất cả các chuỗi đều có phân tích, quy trình xây dựng chuỗi bài bản, có liên kết dọc, liên kết ngang. Vấn đề là cần các DN làm đầu chuỗi để định hướng hoạt động, dẫn dắt chuỗi phát triển, đưa sản phẩm ra thị trường. TS Bùi Thanh Liêm cũng đặt vấn đề: Hướng đến có nên khuyến khích mời gọi DN tham gia Hội đồng quản trị HTX, nếu được thì tỷ lệ góp vốn như thế nào.
Theo đánh giá chung của các huyện, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành chuỗi gặp khó là HTX hoạt động yếu kém, chủ yếu thành lập theo tiêu chí nông thôn mới chứ chưa đi vào hoạt động thực chất.
Để đồng bộ giải pháp trong xây dựng, hình thành và nâng cấp chuỗi giá trị, TS Hồ Văn Thiệt - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện khẩu hiệu “mảnh vườn nhỏ, sản xuất lớn” là rất đúng đắn. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện được một số nơi. Đây là giải pháp khắc phục hạn chế: Manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp của tỉnh. Để liên kết người dân lại với sản xuất lớn, tập trung thì không có cách nào khác là liên kết kinh tế tập thể.
Đối với giải pháp nâng cấp chuỗi dừa, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành đề xuất, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho HTX có cơ sở vật chất, thuận lợi về giao thông. Hiện nay, còn rất tạm bợ, chưa đủ năng lực để hoạt động. Cần sự thống nhất cao, đoàn kết trong nội bộ, đủ năng lực để quản lý, điều hành. Việc cải thiện khó khăn này trong thời gian qua còn chậm, cần sự vào cuộc hỗ trợ từ phía các ngân hàng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương khẳng định, HTX thành lập thì trước tiên phải tham gia vào chuỗi giá trị. Bước đầu tham gia ở mức độ ít hơn. Càng lâu thì tham gia chuỗi phải càng sâu, phương án sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Tại chuyến giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cũng khẳng định, ở từng chuỗi sản phẩm cần có các DN tham gia ở khâu đầu vào, đầu ra sản phẩm. Các HTX cần hướng đến liên minh HTX, thu hút DN tham gia vào Hội đồng quản trị HTX, liên minh HTX đó để định hướng dẫn dắt hoạt động, phát triển chuỗi theo chiều sâu và đi vào thị trường tốt hơn.
“Tỉnh đang tập trung xây dựng nhiều vùng trồng cho DN đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đối với từng sản phẩm. Tuy nhiên, trường hợp DN đã xây dựng nhưng không thực hiện thu mua sản phẩm của nông dân vùng đó, sở sẽ đề nghị hủy mã code vùng đó để xét, cấp lại cho DN khác thực hiện. Đây là giải pháp mang tính bảo đảm quyền lợi cho nông dân tại các vùng trồng...”.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc