Cần tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực phù hợp để “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”

26/10/2024 - 16:14

BDK.VN - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26-10-2024, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn tham gia thảo luận tại Tổ sáng 26-10-2024.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của nước ta với nhiều điểm sáng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư công trọng điểm, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, thu ngân sách, các hoạt động đối ngoại…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như hậu quả bão lụt, tiến độ giải ngân đầu tư công thấp hơn năm 2023, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, doanh nghiệp giải thể, khó khăn, ngừng hoạt động còn nhiều.

Đồng tình với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2025 theo báo cáo của Chính phủ, đại biểu quan tâm góp ý thêm 3 vấn đề:

Thứ nhất, vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đại biểu bày tỏ đồng tình cao với quan điểm, cách làm này nhằm tăng cường sự chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Tuy nhiên, để các địa phương thực hiện tốt chủ trương này, rất cần cơ chế, chính sách rõ ràng và nguồn lực đi kèm.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quan tâm rà soát, ban hành, sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách thật sự đồng bộ, đầy đủ, rõ ràng giúp cho các địa phương an tâm quyết, làm và chịu trách nhiệm.

Thứ hai, Trung ương cần tạo điều kiện cho địa phương có không gian, điều kiện để tăng thu ngân sách, tạo ra nguồn lực để đảm bảo cho các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có thể làm được, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Đặc biệt là cần có các hướng dẫn để địa phương thực hiện tốt các nguồn thu từ đất đai, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, dịch vụ và từ các tiềm năng kinh tế tự tạo của địa phương.

Vấn đề thứ hai, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đúng năng lực hấp thu, năng lực tổ chức thực hiện của các cấp thực thi vì trong cùng một thời gian xác định chúng ta ban hành, triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia như: Hạ tầng, nhà ở xã hội, chuyển đổi số….nên năng lực hấp thu và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở khó thực thi đồng loạt, có độ trễ nhất định.

Chính vì vậy, Chính phủ cần phải đánh giá đúng để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp để các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được ban hành phải được tổ chức thực hiện đảm bảo về điều kiện thực hiện, nguồn lực, tiến độ và chất lượng trong một giai đoạn.

Vấn đề thứ ba, đại biểu đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như các gói tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu; tháo gỡ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực lớn đang gặp khó khăn như bất động sản, năng lượng.

Các dự án đầu tư xây dựng về nhà ở, về năng lượng tái tạo đã hoàn thành thì sớm tháo gỡ khó khăn để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí; giải pháp tháo gỡ đã cho phép thực hiện phù hợp ở một số địa phương thì cũng cho các địa phương khác có điều kiện tương tự có thể áp dụng chung.

Chính phủ cần có giải pháp để hạn chế doanh nghiệp giải thể, các doanh nghiệp thành lập là doanh nghiệp thật.

Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đánh giá kỹ hơn các nguồn thu ngân sách, nhất là nguồn thu nội đia, tỷ lệ thu giữa Trung ương và địa phương; các nguồn thu mới như: Từ thương mại điện tử, nền tảng số, hộ kinh doanh, thu nhập cá nhân không phải tổ chức (tự do), hiện vẫn còn “khoảng trống lớn” cần nghiên cứu, hướng dẫn thu hợp lý, các loại thu từ sử dụng, chuyển dịch, sở hữu đất cần định hình rõ hơn khi thực hiện Luật Đất đai 2024.

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, nguồn tăng thu, tiết kiệm cần định hình ngay từ khâu lập dự toán, khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư thêm cho an sinh xã hội như nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công; xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo theo chủ trương của Chính phủ; hay tăng thu dành nhiều hơn cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương.

Về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu cho rằng việc điều chỉnh là hết sức cần thiết vì hiện nay quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã được ban hành, ít nhiều đã có độ chênh trong cơ cấu, tỷ lệ sử dụng đất, nhất là chỉ tiêu sử dụng đất giao cho địa phương.

Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh sớm Quy hoạch sử dụng đất quốc gia để phù hợp, hài hòa sau nhiều năm áp dụng, thực tiễn đòi hỏi. Đại biểu đề nghị tiến hành điều chỉnh sớm và có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp giữa năm 2025), tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện.

Về chủ trương bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) với số tiền 20.695 tỷ đồng từ nguồn cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước: Đại biểu thống nhất cao với chủ trương này vì Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một Ngân hàng lớn, có sức chi phối mạnh, đóng góp cao cho ngân sách nên việc tăng vốn là hợp lý, hiện tại Vietcombank cũng đang gánh vác Ngân hàng Xây dựng nên càng cần tăng vốn để tạo điều kiện cho Ngân hàng phát triển.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN