Bơm nước từ giếng khoan vào mương để cứu vườn cây ăn trái trong mùa hạn mặn.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Cuối năm 2019, UBND huyện Châu Thành có Văn bản số 456 về việc quản lý khai thác nước ngầm. Sau khi tiếp thu ý kiến của UBND huyện, các xã thực hiện và tuyên truyền trong dân về tác hại của việc khoan giếng.
Đầu tháng 1-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Văn bản số 01 về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất. Trong đó, cho phép người dân có nhu cầu sản xuất thì đến UBND xã theo mẫu đơn hướng dẫn đăng ký xác nhận và cho phép khoan giếng.
Văn bản nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ sinh hoạt hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp và quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm thì trước khi khoan thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất tại UBND xã - nơi đặt công trình. Trường hợp khai thác quy mô trên 10m3/ngày đêm trở lên thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định.
Tuy nhiên, theo tinh thần chung của tỉnh từ trước đó nghiêm cấm khoan giếng để hạn chế sử dụng nước ngầm. Bởi, hậu quả của việc khoan giếng lấy nước sử dụng đại trà sẽ làm thay đổi kết cấu đất bên dưới, gây nguy cơ sụt lún đất, khả năng gây ngập úng, nhiễm mặn, ô nhiễm, thoái hóa đất rất lớn, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, sản xuất của người dân.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc cho biết: “Trước các quy định và nhu cầu bức thiết về nguồn nước của dân, nhiều xã trong huyện đang lúng túng trong vấn đề quản lý giếng khoan. Qua nắm thực tế, người dân đã lén khoan giếng tìm nguồn nước ngọt để tưới tiêu. Lãnh đạo các xã rất rối, không biết giải quyết thế nào trong tình trạng này”.
Tính đến ngày 25-2-2020, huyện Châu Thành có 63 giếng được khoan mới, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Chủ tịch UBND xã Tiên Long Bùi Trung Chỉnh cho biết, trước đó, xã cũng đã có chỉ đạo đến các ấp phát hiện và ngăn chặn không cho bà con khoan giếng. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh lại ý kiến của Sở TN&MT là cho bà con khoan giếng. Hiện tại, Tiên Long cũng như nhiều địa phương “tiến thoái lưỡng nan”.
Nhu cầu khoan giếng cao
Để “chữa cháy” 8 công đất sầu riêng và chôm chôm qua mùa mặn, gia đình ông Văn Công Sĩ, ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long phải đổi nước ngọt từ Đồng Tháp về tưới cây. Chi phí 1 tàu 60m3 nước ngọt từ 5 - 6 triệu đồng, chỉ tưới tiết kiệm trong vòng mấy ngày là hết. Trước tình hình mặn còn tiếp diễn, gia đình ông Văn Công Sĩ mong muốn khoan giếng để tưới tiêu cho vườn cây qua mùa mặn chứ đổi nước hoài không xuể. “Xã có tuyên truyền các chủ trương nghiêm cấm việc khoan giếng nhưng vườn cây ngày càng trơ trụi. Nông dân chỉ có kinh tế từ cây ăn trái. Cây khô chết, kinh tế không có người dân điêu đứng”, ông Văn Công Sĩ lo lắng.
Hộ N.V.T, ấp Tiên Long, xã Tiên Long vì xót vườn cây đã lén khoan giếng và sử dụng mấy tháng nay để tưới tiêu cho 1ha chôm chôm. Khi được hỏi về việc khoan giếng, ông bộc bạch: “Cũng có nghe chủ trương của Nhà nước cấm nhưng nếu không khoan giếng để tưới tiêu thì cây chết, tài sản tiêu hết. Xót mùa màng và mong cứu cây vì đang mang trái chứ không cố ý làm trái quy định”.
Từ 80 - 90% hộ dân trên địa bàn xã Tiên Long có nhu cầu khoan giếng. Bởi, chi phí khoan giếng thấp hơn so với việc đổi nước ngọt. Mỗi giếng khoan chỉ vài ba triệu có thể sử dụng 1 - 2 tháng mặn này. Hầu hết người dân khoan giếng để có nước cứu vườn cây ăn trái vì phải mất 5 năm mới có thể tái tạo lại vườn mới.
Xã Quới Thành (Châu Thành) là một trong số địa phương kiên quyết ngăn chặn việc khoan giếng và hiện nay xã đang chịu sức ép rất lớn từ người dân. Trung bình một ngày có 4 - 5 hộ đến đăng ký khoan giếng.
“Hiện nay, người dân phải đi đổi nước, trung bình 180 - 200 ngàn đồng/m3. Một khối nước sẽ tưới khoảng 10 cây sầu riêng lớn và 15 cây sầu riêng nhỏ. Trung bình 0,1ha thì có 20 - 25 cây, chi phí cho khoảng 2m3 nước tưới thấy hết 400 ngàn đồng, khoảng 3 - 4 ngày tưới 1 lần, bà con không thể kham nổi”, Chủ tịch UBND xã Quới Thành Phan Tấn Đức cho hay.
Hướng mở cho người dân
Chủ tịch UBND xã Tiên Long Bùi Trung Chỉnh cho biết, để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, kiến nghị lãnh đạo sớm có chủ trương tạo điều kiện cho bà con khoan giếng tầng nông để cứu mùa vụ. Khi mưa xuống có biện pháp để trám, lấp lại, hoặc tìm phương án nào tốt nhất để giải quyết tình hình cấp thiết này. Thật sự mà nói, cấm khoan giếng tuyệt đối thì bà con gặp khó khăn. Bởi chi phí đổi nước ngọt có khả năng tốn vài chục triệu đồng/hộ trong đợt hạn mặn.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Chinh, nắm tình hình thực tế từ cuối năm 2019, một số nơi đã xuất hiện tình trạng khoan giếng. Nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý tài nguyên nước dưới đất vừa hạn chế khai thác nước ngầm vừa giải quyết tình huống cấp bách cho hộ dân có nhu cầu trong sản xuất, sinh hoạt trong mùa hạn, mặn.
Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm cho biết, nếu thời điểm này không cho khoan giếng thì sẽ gây ra bức xúc. Tại xã Phú Hưng có một số khu vực đất cát, người dân có thể khoan giếng, cam kết khai thác theo khối lượng, chiều sâu quy định. Khi mưa xuống sẽ có lực lượng đi kiểm tra và cho lấp lại hết các giếng đã khoan.
Phát biểu tại buổi làm việc với các sở ngành, địa phương về phương án tạo nước ngọt cho người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng, trong tình trạng thiếu nước ngọt như hiện nay, địa phương cần linh động trong quản lý khai thác tài nguyên nước, sử dụng giếng khoan trong thời gian ngắn hạn sau đó ngưng hay có giải pháp để giảm tác động bất lợi do việc khoan giếng. |
Bài, ảnh: Phan Hân