Xung quanh việc học trực tuyến, bài 3

Cần linh hoạt thích ứng với phương thức học trực tuyến

15/10/2021 - 06:20

BDK - Việc học trực tuyến là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Nếu bỏ qua các vấn đề về thiếu trang thiết bị hay kết nối mạng, đối với các cấp học như cấp 2, cấp 3, sinh viên thì việc sử dụng thiết bị điện tử, áp dụng công nghệ để học trực tuyến tương đối thuận lợi. Nhưng ở cấp tiểu học, để học sinh học hiệu quả, phụ huynh phải cùng tham gia, hỗ trợ tại nhà. Xung quanh việc học trực tuyến cũng còn nhiều vấn đề thuộc về ý thức của người học, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường.

Phụ huynh hỗ trợ con học trực tuyến. Ảnh: Phan Hân

Cùng con học trực tuyến

Gần 1 tháng nay, chị L.T.D (xã Thới Lai, huyện Bình Đại) chính thức “nhập cuộc” học trực tuyến cùng con trai lớp 5. Thời gian này, công việc của chị bận rộn hơn. Ngoài việc học cùng con, chị còn cùng con giải bài tập rồi chụp hình kết quả gửi cho giáo viên. Khi con học trực tiếp trên lớp, chị có thời gian lo việc nhà, nhưng khi con học trực tuyến tại nhà, chị phải học theo. Chị L.T.D tâm sự: “Con mình học trực tuyến thì mọi việc làm ăn, nhà cửa đều gác lại để ngồi canh. Con còn nhỏ ham chơi để con một mình trên thiết bị điện tử mình không an tâm, thấp thỏm sợ rủi ro khi sử dụng điện thoại thời gian dài”.

Sau ngày đầu cùng con học trực tuyến, anh L.M.C, phụ huynh Trường Tiểu học Bến Tre cho hay: Ngày đầu tiên được gặp giáo viên và bạn bè, bé rất háo hức. Buổi trực tuyến đầu tiên của con là buổi làm quen, tự giới thiệu và được giáo viên hướng dẫn tư thế học tập, lưu ý nội dung khi học. “Lúc cô giáo chia sẻ thì không thể nghe rõ tiếng vì lớp 44 học sinh nên âm thanh rất chát tai. Có câu chuyện ngoài tiết học được phát ra do nhiều phụ huynh kết nối nhưng không tắt micro”, anh L.M.C nói. Là học sinh lớp 1 nên các bé đều cần sự hỗ trợ của phụ huynh rất nhiều. Xác định phải học cùng con nên anh L.M.C và gia đình sắp xếp công việc để thay nhau đồng hành cùng con trong những buổi học tới.

Anh H.T (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) chia sẻ: “Qua vài buổi học thì con cũng quen dần với cách học trực tuyến, có khi còn rành rẽ hơn cả cha mẹ. Hôm thì vui vẻ vì được cô giáo gọi phát biểu, hôm thì ỉu xìu vì bấm nút giơ tay mà cô không gọi”. Gia đình anh H.T có hai con đang học tiểu học. Anh và vợ thay phiên nhau sắp xếp công việc theo dõi quá trình học để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở con.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể sắp xếp thời gian để theo sát việc học với con. Điều này càng khó khăn hơn với các gia đình lao động nghèo, thiếu trang thiết bị, phụ huynh không rành về công nghệ.

Đảm bảo an toàn, thuận lợi

Ngay cả với các cấp học lớn hơn, vào lớp học trực tuyến cũng xảy ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười”, khi thì có người quên tắt micro, để lọt tiếng ồn, tiếng trò chuyện riêng tư lên không gian chung hoặc khi đang mở camera để học thì có người nhà đi ra, đi vào, hoặc đùa giỡn làm ảnh hưởng đến việc học chung của lớp. Những buổi học đầu tiên, giáo viên mất rất nhiều thời gian để ổn định lớp.

Em Đặng Văn Ni, sinh viên năm thứ 3, Khoa Đô thị học, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre chia sẻ: “Khi học trực tuyến thì em cũng gặp trường hợp trục trặc về đường truyền kết nối, có khi do kết nối mạng từ phía giáo viên không ổn định, không khắc phục được ngay nên phải gián đoạn buổi học hoặc rút ngắn thời gian học. Ngoài ra, việc nộp bài tập trên hệ thống có khi gặp sự cố, làm bài trực tuyến, thảo luận, thuyết trình, tương tác với thầy cô cũng không được thuận lợi 100%”. Không thể không nhắc đến việc người học làm việc riêng trong giờ học, không tập trung hoàn toàn cho việc học, cá biệt còn ăn uống, chơi game, chỉ mở kết nối với lớp trực tuyến cho có để điểm danh.

“Theo em thì để việc học trực tuyến được thuận lợi hơn, người học cần thảo luận với giáo viên trước về việc học, kiểm tra, chủ động chuẩn bị tốt đường truyền, tận dụng chức năng ghi hình lại buổi học trên ứng dụng để chia sẻ cho những bạn cần xem lại, nghe lại khi không theo kịp hoặc gặp sự số mất kết nối”, em Đặng Văn Ni cho biết.

Đối với việc tổ chức dạy và học trực tuyến, toàn ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị thống nhất về quy định. Giáo viên được tập huấn kỹ năng dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng E-learning trước khi bắt đầu chương trình dạy và học trực tuyến. Cô Trần Thị Ngọc Trinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Giồng Trôm cho biết, đối với giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến theo chỉ đạo chung. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành đã bám theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đối với lớp 1 và 2, các em sẽ được học qua truyền hình (tỉnh đã triển khai chung). Bên cạnh đó, giáo viên cũng kết nối với phụ huynh qua các hình thức mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để có các hướng dẫn các nội dung học tập cho các em. 

Ở góc độ giáo viên, thầy Trương Văn Tuấn, giáo viên môn Ngữ văn khối THPT của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Bến Tre) chia sẻ phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học phù hợp, kết hợp với một vài cách quản lý lớp như bốc thăm ngẫu nhiên vào cuối buổi học để kiểm tra việc ghi chép bài của các em, trao đổi và thống nhất các quy tắc của lớp học.

“Việc bốc thăm ngẫu nhiên giúp cho học sinh có thể chú tâm hơn vào việc học để sẵn sàng khi giáo viên yêu cầu kiểm tra. Bên cạnh đó, giáo viên cần có sự tôn trọng với học sinh, để các em có thể tắt webcam khi không cần thiết. Mỗi buổi học cũng có thể áp dụng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên chọn học sinh mở webcam để tạo sự tương tác trong lớp học trực tuyến. Giữa thầy và trò cần có sự tin tưởng, tránh có thái độ nghi ngờ việc các em có theo dõi bài học hay không sẽ tạo tâm lý nặng nề”, thầy Trương Văn Tuấn cho biết. Đối với các em không được chủ quan chỉ chụp lại màn hình bài giảng của thầy mà không chịu ghi chép vào vở học. Sau thời gian học trực tuyến, thầy cô yêu cầu kiểm tra lại vở ghi chép để đảm bảo việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

“Năm học 2021-2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Với trọng trách và sứ mệnh được giao, toàn ngành giáo dục sẽ và phải nỗ lực để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh vừa hoàn thành chương trình kế hoạch năm học đề ra. Để việc học tập trực tuyến đạt chất lượng, cán bộ quản lý, đội ngũ thầy cô giáo, nhân viên toàn ngành hãy đoàn kết, chung sức đồng lòng trong từng nhiệm vụ được giao. Các em học sinh và phụ huynh cần có sự thay đổi để thích ứng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, tạo môi trường học tập hiệu quả cho con”.

(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)

Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN