Cần hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thực hiện tốt nguồn thu từ sử dụng đất
05/11/2024 - 20:47
BDK.VN - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 5-11-2024, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 5-11-2024.
Qua kết quả thực hiện kế hoạch thu ngân sách 9 tháng năm 2024, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương đã rất nỗ lực, dự kiến thu ngân sách Trung ương năm 2024 sẽ tăng 10% so dự toán.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương nỗ lực để tăng thu ngân sách địa phương khoảng 10%. Trong dự toán ngân sách năm 2025, Chính phủ yêu cầu: Xuất phát từ số thu ngân sách năm 2024, tiếp tục phấn đấu tăng thu 5%.
Đại biểu thống nhất với các giải pháp Chính phủ đã đề ra và đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tập trung thu các khoản thu nội địa thông qua việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, nhất là 26 tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi; các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, năng lượng, xuất khẩu hay các lĩnh vực còn đang gặp khó để sớm phục hồi, đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương.
Trong các nguồn thu, đại biểu cho rằng nguồn thu nội địa nhiều địa phương vẫn còn đang gặp khó khăn do doanh nghiệp chậm phục hồi, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nếu trừ nguồn thu từ xổ số kiến thiết và thu từ sử dụng đất thì nguồn thu nội địa không lớn.
Theo đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tiếp tục duy trì các giải pháp hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Kinh doanh bất động sản, các dự án sản xuất hoàn thành sớm đưa vào sử dụng...để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Các nguồn thu sổ xố kiến thiết và nguồn thu sử dụng đất thường là nền tảng cho tăng thu; tuy nhiên, năm 2024 nguồn thu từ sử dụng đất thực hiện chậm, do vướng mắc từ việc nhiều tỉnh chưa ban hành được Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, cũng như bước đầu đang triển khai các chính sách, quy định mới của các Luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2023 như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho chính quyền các địa phương trong việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật mới đồng bộ trên lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản... để khơi thông nguồn lực, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhất là từ nguồn sử dụng đất.
Chính phủ yêu cầu các tỉnh thực hiện việc tiết kiệm chi 5% để chi cho đầu tư phát triển, đại biểu tán thành nhưng đề nghị ngay từ khi lập và giao dự toán thì nên thực hiện cắt giảm 5% này để đưa vào kế hoạch chi cho đầu tư phát triển, nếu đợi đến cuối năm mới thực hiện thì lại phải trải qua nhiều thủ tục như trình cho Thường trực HĐND tỉnh, xin ý kiến nhiều cấp, rồi điều chỉnh, đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công... thì mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện việc này ngay từ đầu năm sẽ thuận tiện hơn cho các địa phương.
Về dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025, đại biểu thống nhất nhưng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc lập kế hoạch này, cần tập trung nguồn lực đủ để thực hiện kế hoạch đầu tư công, có tiền mới có thể giải ngân được. Thường đầu năm, nguồn thu chưa có nên giải ngân đầu tư công luôn bị chậm.
Về vấn đề đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tổ công tác của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho 13 tỉnh, thành phố và 2 Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chuẩn bị cho các Dự án thích ứng biến đổi khí hậu của đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay nước ngoài (Mekong DPO), một số nghị quyết đã được ban hành, tổng mức vốn DPO được điều chỉnh.
Để chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư công trung hạn 2026 - 2031, đại biểu kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề xuất đầu tư cho 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì hiện nay chỉ có một ít tỉnh được duyệt và đa số tỉnh, thành đang chờ phê duyệt đề xuất đầu tư để đủ điều kiện lập chủ trương đầu tư, chuẩn bị cho Kế hoạch đầu tư công mới giai đoạn 2026 - 2030.