Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 167 khắc ghi lời Bác Hồ dạy

19/05/2024 - 10:54

BDK.VN - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ hải quân những tình cảm yêu mến, những lời căn dặn sâu sắc, chan chứa ân tình. Những lời dạy của Bác đã thấm sâu vào tâm trí, trở thành những định hướng chiến lược, soi sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân nói chung, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân nói riêng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hình ảnh Bác Hồ đội mũ Hải quân, đưa anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov đi thăm vịnh Hạ Long. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với Bộ đội Hải quân

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm, chỉ đạo xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Người đã ba lần về thăm Bộ đội Hải quân vào những năm 1959, 1961 và 1962. Trong mỗi dịp về thăm, Bác luôn ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và để lại những lời căn dặn hết sức ý nghĩa, những lời dạy của Bác như “ngọn hải đăng soi đường chỉ lối” để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Lần đầu tiên Bác về thăm Trường Huấn luyện bờ bể (sau đổi tên Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Hải quân, nay là Học viện Hải quân) vào ngày 30-3-1959, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng Hải quân, cũng như công tác giảng dạy của Trường Huấn luyện bờ biển. Người nhấn mạnh: “Thời chống Pháp, ta chưa có lực lượng Hải quân, bây giờ các chú được đi học tập ở nước ngoài về để xây dựng và phát triển lực lượng. Muốn xây dựng lực lượng Hải quân làm tốt công tác bảo vệ biển, đảo và thềm lục địa, phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp với vùng biển Việt Nam”. Lời dạy của Bác vừa là nguồn động lực cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ, vừa là mục tiêu, phương châm hành động cho việc đào tạo, phát triển lực lượng hải quân sau này.

Tăng cường huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật mới trên tàu Tên lửa 382, Lữ đoàn 167.

Trong lần thứ hai về thăm bộ đội hải quân ngày 15-3-1961, Bác đã căn dặn:  “Biển đảo nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có”. Đây là lời căn dặn có ý nghĩa quan trọng, định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng hải quân ta và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Khi đi trên sông Bạch Ðằng, Bác xúc động nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, chứ không phải hải quân của thế giới”. Tàu cập bến, đưa Bác đi thăm hang Ðầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Ðạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Ðằng đánh tan giặc Nguyên Mông, Bác xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Câu nói đó mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, luôn tiếp thêm sức mạnh trên con đường xây dựng lực lượng, chiến đấu, trưởng thành và giành nhiều chiến công vang dội.

Ngày 13-11-1962, Bác Hồ đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ ba. Sau khi thăm nơi ăn, ở của bộ đội trên đảo, tại căn cứ Vạn Hoa, Người căn dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”. Về thăm lần này, Bác mừng vì Hải quân đã có sự phát triển nhanh chóng. Trên tàu Hải Lâm, Người đội chiếc mũ Hải quân, đưa anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov đi thăm vịnh Hạ Long. Hình ảnh đó đã trở thành báu vật quý giá, mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trở thành lời hiệu triệu động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân đoàn kết, khắc phục khó khăn, chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Khắc sâu lời Bác dạy

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vừa kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha, vừa tìm cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị và điều kiện cụ thể của nước ta, không ngừng đầu tư, phát triển các thành phần, lực lượng để xây dựng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Thực hiện chủ trương đó, ngày 12-7-2013, Lữ đoàn tàu Pháo - Tên lửa 167 đã được thành lập và trở thành một trong những đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại được trang bị là các Tàu pháo TT400TP, Tàu tên lửa 12418 (Tàu tên lửa tấn công nhanh - tia chớp) - đây là những tàu được đóng mới, hiện đại, có sức chiến đấu cao.

Những năm qua, để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 167 luôn khắc sâu lời căn dạy của Bác và xem đó là ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối, là chân lý, mục tiêu, phương châm hành động để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Đội ngũ sĩ quan Lữ đoàn 167 trao đổi chuyên môn về y học với Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu HMS Spey năm 2023

Đại tá Nguyễn Thành Nhân - Chính ủy Lữ đoàn, cho biết: “Biến việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác, thường xuyên là một trong những chủ trương, biện pháp được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt chú trọng thực hiện trong những năm qua. Qua đó, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Lữ đoàn đã triển khai nhiều mô hình như: “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy, mỗi tuần một câu chuyện về Bác”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Đơn vị 3 tiêu biểu”, “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật”... với nội dung và biện pháp sáng tạo, đã được triển khai đồng bộ ở các cấp, các tổ chức trong toàn Lữ đoàn, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong cho mỗi quân nhân.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại, việc quán triệt tư tưởng của Bác cũng được thể hiện rõ trong phương châm huấn luyện: “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo hướng hiện đại. Lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Lữ đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện.

 Thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ

Lữ đoàn đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn trong huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, hiệp đồng quân binh chủng, tăng cường huấn luyện đêm sau 0 giờ; hiệp đồng cẩu nhận tên lửa vào ban đêm mỗi tháng một lần; tăng cường huấn luyện trong điều kiện thời tiết xấu, kiểm tra chất lượng huấn luyện làm chủ, chuyên sâu đến từng nhân viên, chiến sĩ... Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Công tác bảo quản, sửa chữa vũ khí, trang bị, kỹ thuật luôn được chú trọng ở Lữ đoàn 167.

Ngoài ra, Lữ đoàn cũng chú trọng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, trong đó, chú trọng bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ nhằm nâng cao khả năng ứng xử, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống trong quá trình phối hợp hiệp đồng và thực hiện nhiệm vụ luyện tập chung với hải quân các nước. Đồng thời, cử nhiều cán bộ học tập, nghiên cứu, nắm bắt kinh nghiệm hải quân nước ngoài. Đây cũng chính là lời chỉ dẫn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta.

Với cường độ huấn luyện cao, áp lực lớn, cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã luôn đặc biệt chú trọng công tác giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng; đồng thời thường xuyên giải quyết tốt chế độ chính sách và kịp thời động viên, khen thưởng, làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, thoải mái tư tưởng, tích cực học tập, ra sức rèn luyện và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Mạnh Cường, Điện công Hàng hải, Tàu 383 cho biết: “Hơn 25 năm công tác trong quân đội và gắn bó với tàu tên lửa từ những ngày đầu thành lập Lữ đoàn, với phần lớn thời gian học tập, công tác trên tàu, vì vậy hiểu từng vị trí, từng khoang hầm, trang thiết bị hay tính cách từng đồng chí trên tàu có khi còn hơn cả ở gia đình. Chúng tôi luôn xác định tàu là nhà, đồng chí đồng đội như người cùng gia đình, luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như cuộc sống, sát cánh bên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị”.

Hơn 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị, mỗi lời dạy là một nhiệm vụ thiêng liêng đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Khắc ghi lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Lữ đoàn 167 nói riêng đã nối tiếp nhau, ra sức thi đua, nâng cao trình độ mọi mặt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Văn Đường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN