Ký sự Hải trình ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK-1, bài 1:

Cảm xúc lần đầu đến thăm các đảo

05/06/2023 - 05:25

BDK - Chuyến đi thăm Trường Sa vào dịp cuối tháng 5-2023 đối với tôi là điều rất bất ngờ. Nhận lệnh tham gia chuyến đi cùng với đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm vui khó tả. Bởi lẽ, giấc mơ đến Trường Sa và được gặp người chiến sĩ hải quân đứng nghiêm trang, tay giương cao ngọn súng đứng nơi cột mốc khẳng định chủ quyền đảo Trường Sa - một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức của tôi từ thuở bé, nay đã thành hiện thực.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười và Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao.

Lần đầu đặt chân đến đảo Trường Sa

Các thế hệ làm báo, đồng nghiệp của tôi, cùng quê ở Bến Tre như nhà báo ưu tú Nguyễn Hoàng, Kim Liên, Anh Đào, Quốc Hùng, Trung Trí, Ánh Nguyệt… đã từng được tham gia hành trình về biển, đảo Trường Sa cùng với đoàn công tác của tỉnh. Nghe nói tôi được đi, ai nấy cũng chúc mừng và chia sẻ lại thật nhiều những cảm xúc, kỷ niệm và hình ảnh ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất của chuyến đi. Người thì chia sẻ hình ảnh đẹp, bao la của vùng Biển Đông thuộc chủ quyền quốc gia, người kể lại kỷ niệm vui khi ở trên tàu. Có lẽ khoảnh khắc xúc động nhất với các anh, chị là thực hiện nghi thức tưởng niệm, tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ nơi biển cả. Và đã có nhiều lời nhắn nhủ, động viên từ đồng nghiệp rằng: “Chúc mừng em lần đầu được đi Trường Sa nhé - nơi tuyến đầu thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”. Hay “Được đi Trường Sa là niềm hạnh phúc đối với người làm báo đấy. Vì trong đời không phải ai cũng có dịp được ra tận Trường Sa đâu”…

Với tôi, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong quân phục trắng, tay ôm chắc ngọn súng giương cao giữa biển trời Tổ quốc thật hùng tráng, khí phách và tự hào làm sao. Như một giấc mơ, Trường Sa trong tim tôi không chỉ là lời bài hát, cũng không chỉ là tư liệu, hình ảnh mà hôm nay tôi đã được trực tiếp đặt chân lên con tàu KN-490 của Chi đội Kiểm ngư số 4, Vùng 4 Hải quân để cùng đoàn công tác tỉnh tham gia vào đoàn công tác số 18 - BIDV vượt Biển Đông, đến với Trường Sa. Trên con tàu, lời hát “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi” vang vọng bên tai. Theo lịch trình, chỉ sau hai ngày, hai đêm, tàu chúng tôi đã đến với đảo đầu tiên là Sinh Tồn Đông. Tại đây, tôi và hầu hết các anh chị em trong đoàn đều không giấu được cảm xúc dâng trào khó tả. Cảm xúc lần đầu tiên được trực tiếp đặt chân đến đảo, được tận mắt nhìn thấy, chứng kiến và cảm nhận từ thực tế. Đó là một đảo nhỏ, vốn là 1 cồn cát thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đảo nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 27,8km về phía Đông và trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nằm trên nền san hô ngập nước dài hơn 1,2km. Do chủ yếu là cát san hô nên các loại cây trên đảo chủ yếu là bàng vuông, mù u, phi lao, phong ba, rau muống biển. Ở đây, tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao luôn thường trực trong mỗi cán bộ, chiến sĩ phòng thủ đảo. Vì thế, Sinh Tồn Đông được xem như tuyến đầu trong các đảo Trường Sa. Và ở đây, tôi đã được tận mắt nhìn thấy người chiến sĩ hải quân đứng bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông. Trong mắt tôi, hình ảnh ấy quá đỗi thiêng liêng so với tâm thức trong tôi trước đó. Vì ở đây, nơi đầu sóng ngọn gió, chỉ có biển, có trời và đồng đội, các anh vẫn đứng đó, với ý chí kiên trung, dáng đứng  trang nghiêm, mực thước vì mục tiêu và lý tưởng cao quý nhất đó là canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, trời của Tổ quốc Việt Nam.

Cùng ngày, đoàn đến thăm đảo Len Đao và thắp hương đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Trước mắt chúng tôi, Len Đao vững chãi, sạch đẹp và văn minh. Hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ. Công tác chăn nuôi, tăng gia sản xuất cũng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu của toàn đảo. Nhà văn hóa đa năng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, mà còn là công trình phòng thủ vững chắc bảo vệ vùng biển, đảo tuyến đầu Trường Sa. Chiều tối, khi tàu chúng tôi đến vùng biển Len đao, Colin, Gạc Ma, đoàn đã thực hiện nghi thức tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến mùa xuân năm 1988 tại đảo Gạc Ma.

Vị trí thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam

Mỗi nơi đến là một cảm nhận, niềm hạnh phúc và tự hào về Tổ quốc Việt Nam bao la rộng lớn, về biển đảo của ta tươi đẹp biết bao, về những con người quả cảm, kiên trung sắt son với nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Phó trưởng đoàn công tác tỉnh không giấu được niềm xúc động: “Trường Sa có một vị trí rất thiêng liêng trong lòng mỗi người dân đất Việt. Được đến và thăm Trường Sa là ước mơ lớn của rất là nhiều người. Chúng tôi là những người may mắn được đến thăm Trường Sa”.

Đến đảo Đá Tây A, cán bộ, chiến sĩ ngoài canh gác bảo vệ lãnh hải còn làm nhiệm vụ trợ giúp, cứu nạn cho nhân dân khi gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chia sẻ với quân, dân: Chuyến công tác này đã tiếp thêm cho chúng tôi nhiều động lực. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, địa phương nào, chúng tôi cũng quyết tâm lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, phát triển kinh tế đất nước, xứng đáng sự hy sinh, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đã ngày đêm gìn giữ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.

Đến với đảo Trường Sa lớn, nhiều người đã vui mừng, hạnh phúc đến nỗi đã quên hết mệt nhọc của hải trình và những trận say sóng vật vã trên tàu để trải nghiệm tour chạy vòng quanh hết đảo. Nhiều người nằm lăn nhoài trên đất đảo như để thỏa niềm sung sướng và cảm nhận hơi ấm thiêng liêng của vùng đất xa xôi giữa Biển Đông mà người dân Việt Nam ta ví rằng: đảo là nhà, biển là quê hương.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê - Trưởng đoàn công tác tỉnh bày tỏ cảm xúc khi đầu tiên đến đây: “Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến đây thật sự rất phấn khởi, vinh dự và trong lòng rất cảm phục về sự hy sinh, đóng góp của các cán bộ chiến sĩ Trường Sa”.

Vinh dự được tham gia cùng chuyến đi này, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Đại Bùi Thị Huyền Trang tâm sự: “Chứng kiến được những vất vả khó khăn, thử thách của quân và dân nơi đây càng cho tôi một động lực lớn trong thực hiện các nhiệm vụ của mình. Đó là: Sẽ không khó khăn nào mà bản thân chúng ta không thể vượt qua”.

Chuyến đi này, đoàn công tác chúng tôi đã mang theo những món quà rất nhỏ của hậu phương gửi đến các chiến sĩ nơi tiền tiêu, đang bảo bệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc Việt Nam. Những món quà tuy nhỏ nhưng mang đậm hơi ấm từ đất liền, quê nhà đến các chiến sĩ, nhằm chia sẻ tình cảm giữa đất liền với biển đảo, giữa quân và dân, qua đó nhằm góp sức, động viên các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu thiêng liêng của Tổ quốc.

Thành công nhất của chuyến thăm Trường Sa có lẽ là mỗi người đều tự nhủ, khi trở về với đất liền, mỗi người với từng vị trí công tác sẽ có nhiều việc làm, hành động thiết thực nhất để phát huy những thành tựu, góp phần phát triển kinh tế biển với chiến lược toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN