Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, trên bảng dữ liệu công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam) ngày 9-5-2024, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 đạt 69,2 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2022, xếp thứ hạng 7/63 tỉnh, thành phố của cả nước; xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Một trong những việc làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN đó là tỉnh đã chú trọng tổ chức “Cà phê DN” định kỳ hàng tháng, tạo diễn đàn chia sẻ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng DN. Qua đó, giúp chính quyền tỉnh lắng nghe và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển ổn định.
Các công trình giao thông quan trọng của tỉnh tiếp tục được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Hiện tỉnh đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn chỉnh đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh…
Bên cạnh, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DN được thực hiện thường xuyên và liên tục. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với 97 dự án, ý tưởng, hộ kinh doanh (HKD) chuyển lên DN, có 22 HKD chuyển lên DN và 70 DN khởi nghiệp; hiện có 4 DN, dự án khởi nghiệp đăng ký làm việc thường xuyên tại không gian làm việc chung Mekong Innovation Hub. Trong 6 tháng đầu năm, có 303 DN và 150 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký 1.012 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch. Hoạt động của các dự án FDI ổn định, tổng số lao động làm việc tại các DN FDI trong và ngoài khu công nghiệp khoảng 32.890 người; vốn giải ngân ước đến tháng 6-2024 đạt 1 triệu USD, bằng 5,09% so với cùng kỳ, đạt 4,55% kế hoạch.
Các hoạt động xúc tiến được tập trung triển khai ngay từ đầu năm. Tỉnh đã tổ chức thành công tọa đàm với Đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027 gặp gỡ các địa phương vùng ĐBSCL; đây là cơ hội để tăng cường quảng bá tiềm năng, xúc tiến mời gọi đầu tư của tỉnh; triển khai các điều kiện chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, có 65 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ 681 lượt nhà đầu tư/DN về thủ tục đầu tư kinh doanh. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 6 dự án trong nước với vốn đăng ký 232,75 tỷ đồng.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, nhằm tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, củng cố niềm tin của DN đối với bộ máy quản lý hành chính của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp.
Trong đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý nghiêm hành vi sai phạm, nhũng nhiễu, đảm bảo bộ máy trong sạch, hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu phát triển của tỉnh nhà với phương châm “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng DN”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phát huy tính chủ động, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện, phải xác định tiến độ, thời gian hoàn thành và có kết quả, sản phẩm cụ thể đối với các nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến chậm trễ, ách tắt trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền xử lý phải kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết, không để kéo dài gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của DN.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu thành lập mới ít nhất 800 DN, hướng đến mục tiêu có khoảng 1.180 DN thành lập mới trong năm 2024 (nhằm quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển 5.000 DN trong nhiệm kỳ 2020 - 2025); trong đó khoảng 400 DN chuyển lên từ HKD, 144 DN khởi nghiệp và phát triển 25 DN dẫn đầu. Thành lập mới ít nhất 50 tổ hợp tác, 15 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 5-7-2023 về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Bến Tre…
“Tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số PCI cấp tỉnh, chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó phấn đấu duy trì kết quả xếp hạng chỉ số PCI hàng năm của tỉnh (nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố quản lý, điều hành tốt)”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)
|
Bài, ảnh: Phương Thảo