Cải cách hành chính lĩnh vực đất đai

15/12/2021 - 06:14

BDK - Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai đã được đẩy mạnh.

Tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thủ tục đất đai

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau khi Luật Đất đai năm 2013 ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có hiệu lực thi hành, tỉnh đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, tỉnh đã ban hành quy định về hạn mức giao đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; quy định về thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa; thủ tục hành chính và các quy định khác có liên quan; đồng thời đã hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Luật Đất đai.

Đối với việc cải cách thủ tục hành chính về đất đai, Sở TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo hàng năm phải xây dựng kế hoạch thực hiện rà soát các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố; đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để sửa đổi theo hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn thực hiện công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, bao gồm: số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan hành chính các cấp được phân công tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và của người đứng đầu cơ quan hành chính được thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ TN&MT về việc rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, từng bước triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai đảm bảo phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ngành TN&MT trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn

Cũng theo lãnh đạo Sở TN&MT, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn có một số quy định của Luật Đất đai mâu thuẫn, chưa thống nhất với các luật khác, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Luật Đất đai năm 2013 quy định: “HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”. Còn Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.

Như vậy, cùng một nội dung nhưng giữa 2 luật trên chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng. Vì thế, tỉnh đề nghị các bộ, ngành chức năng xem xét sửa đổi, bổ sung để có sự liên kết, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên việc sử dụng đất cho việc tích tụ, tập trung đất đai phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách giao đất lâu dài cho các chủ trang trại và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, để tạo môi trường khuyến khích tích tụ đất đai và tập trung ruộng đất cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: “Tạo điều kiện phát triển thị trường đất nông nghiệp, ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp và giữ vững diện tích đất nông nghiệp”; đề nghị xem xét bỏ hạn điền quy định thời gian sử dụng đất để người dân an tâm sản xuất, quy định về thu hồi đất sao cho hạn chế tiêu cực đến đời sống hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.

Bài, ảnh: Thanh Bạch

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN