Cách mạng Tháng Tám 1945 - giá trị lịch sử của toàn dân tộc

18/08/2009 - 09:54
Những ngày Tháng Tám năm 1945 sôi sục ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, sức mạnh của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Giá trị lịch sử của cuộc cách mạng này được thể hiện trên nhiều mặt. Ở đây, chúng tôi xin khái quát ở ba vấn đề có ý nghĩa cơ bản.

1. Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cho dù triều đình nhà Nguyễn ươn hèn, bạc nhược đầu hàng Pháp, nhưng trên phạm vi toàn quốc, các phong trào yêu nước tự phát liên tục nổ ra với nhiều khuynh hướng, biện pháp khác nhau mặc dù tất cả đều thất bại. Điểm chung của các phong trào đấu tranh chống Pháp được thể hiện ở chỗ, bản thân lãnh tụ của các phong trào đều là những chí sĩ yêu nước, thương dân, căm thù thực dân Pháp, có lý tưởng, hoài bão… và lãnh đạo các lực lượng chống Pháp đến cùng với quan niệm “không thành công thì cũng thành nhân”. Nguyên nhân thất bại của tất cả các phong trào trên chủ yếu là do hạn chế về nhận thức, chưa xác định được hướng đi, mục tiêu, đối tượng, phương pháp… Tuy kết cục thất bại nhưng các phong trào yêu nước đều có những giá trị lịch sử nhất định và công lao của các lãnh tụ luôn được nhân dân ta ghi nhận, tôn vinh. Họ xứng đáng là anh hùng của dân tộc.

Từ sự thất bại của các phong trào chống Pháp, cho phép ta rút ra kết luận rằng lịch sử dân tộc Việt Nam không chấp nhận với những khuynh hướng trên, nếu không thì một trong những khuynh hướng đấu tranh này đã thành công và đưa đất nước ta đi theo một con đường nhất định nào đó.

Chính trong bối cảnh lịch sử như thế, Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) ra đi tìm đường cứu nước. Sau đó là sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến 1945 và đã trải qua 3 lần tập dợt cách mạng: 1930-1931, 1936-1939 và đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Điều này cho thấy đây là sự lựa chọn của lịch sử, của dân tộc ta và tự bản thân nó đã mang tính tất yếu khách quan. Cho dù trước đó, việc Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là sự mong muốn chủ quan của Người nhưng cuối cùng lại là cái tất yếu. Và, một khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công thì dĩ nhiên đảng ta trở thành đảng cầm quyền và tất yếu phải đưa nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là biểu tượng của ý chí, nghị lực, tinh thần bất khuất, yêu nước nồng nàn và đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó đã được Bác Hồ khái quát thành một giá trị truyền thống “Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Đó cũng là sự tiếp nối giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - thời đại mà toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống lại một tên thực dân xâm lược to lớn, hùng mạnh.

Trong thắng lợi của cuộc cách mạng này, điều quan trọng là Đảng ta đã thấy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Chính vì thế, đảng ta đã quy tụ, tập hợp các giai tầng, các lực lượng khác nhau, không chỉ có nông dân, công nhân, mà cả các tầng lớp yêu nước khác, để làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại và minh chứng chân lý “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

3. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 còn là biểu hiện của nghệ thuật lãnh đạo và thực hiện bạo lực cách mạng của Đảng ta. Đó là việc xác định lực lượng, chọn thời điểm, chớp thời cơ. Diễn biến tình hình cho thấy, vào ngày 5-8-1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đảo HiroshimaNagasaki. Không lâu sau đó, ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện này đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của quân đội Nhật nói chung. Riêng quân đội Nhật tại Việt Nam đã rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt, mất tinh thần chiến đấu. Theo tối hậu thư Postdam của phe đồng minh, quân đội Nhật phải bị giải giáp do quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc vĩ tuyến 16 và do quân đội Anh từ Nam vĩ tuyến 16 trở vào.

Như vậy, thời điểm đảng ta và Bác Hồ lựa chọn một cách dứt khoát, không thể do dự, chần chừ để tiến hành tổng khởi nghĩa là khoảng thời gian mà quân đội Nhật tại Việt Nam đang mất tinh thần chiến đấu nhưng đồng thời quân đồng minh cũng chưa kịp vào nước ta để giải giáp quân Nhật. Thời điểm này cũng chính là thời cơ ngàn năm có một cho dân tộc ta, là điểm nút để chuyển phong trào cách mạng Việt Nam sang một trang sử mới như Bác Hồ đã nhận định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… chúng ta không thể chậm trễ”. Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa do tổng bộ Việt Minh thành lập ra “Quân lệnh số 1” hạ lệnh quốc dân đồng bào cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 23-8-1945, Huế khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 25-8-1945, Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn. Dân tộc ta từ chỗ là một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia có độc lập chủ quyền; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã được tự do và thực sự là người chủ của đất nước; đảng ta từ chỗ chỉ là đảng lãnh đạo cách mạng nay trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công các cuộc cách mạng, vững bước tiến lên CNXH.

Thạc sĩ Phạm Huỳnh Minh Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN