Cách chăm sóc vườn cây có múi sau hạn mặn

08/07/2011 - 07:56

Cây có múi được trồng phổ biến ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Vì vậy, ở những vùng bị nhiễm lợ liên tục với thời gian dài như Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam,… cây thường bị ảnh hưởng xấu do thiếu nước (nông dân ngưng tưới khi độ mặn trên 3%o)và nước bị nhiễm lợ thẩm thấu trực tiếp từ mương vườn vào vùng rễ cây. Nếu không được chăm sóc đúng cách, cây có thể suy yếu hoặc bị chết khi mùa mưa bắt đầu.

Các tác động bất lợi của các cơn mưa đầu mùa: hòa tan các hợp chất muối natri, sắt, nhôm tích tụ trên lớp đất mặt do hiện tượng mao dẫn trong mùa khô, nên nếu các cơn mưa đầu mùa không đủ lớn và liên tục thì chính độ ẩm thất thường đầu mùa lại gây độc cho cây. Việc bón phân đầu mùa cho cây với các loại phân có hàm lượng đạm và kali cao cũng kích thích sự giải phóng các muối natri, sắt, nhôm vào dung dịch đất gây độc cho cây. Các biện pháp chăm sóc đúng, giúp vườn cây hồi phục sau thời gian bị nhiễm lợ: bón vôi hoặc lân nung chảy vào đầu mùa mưa, để khử độc do phèn mặn gây ra; đồng thời, bổ sung trực tiếp canxi cho cây có múi vốn có nhu cầu lớn về nguyên tố này. Lượng bón thông thường từ 300-500 kg/ha, tùy theo đất bị nhiễm phèn, mặn cao hay thấp. Bón đều lượng vôi hoặc lân nung chảy dự kiến trên khắp mặt liếp ngay trước các cơn mưa đầu mùa. Bón nhiều phân hữu cơ hoai, nhằm tăng độ tơi xốp, tăng tính đệm và khả năng giữ phân cho đất, bổ sung trực tiếp các chất kích thích sinh trưởng và vi chất cho cây. Lượng bón trung bình từ 10-20 kg/cây trưởng thành. Có thể thay thế một phần phân hữu cơ bằng các chế phẩm chứa axit humic, ví dụ như 1kg axit humic đậm đặc có thể thay thế khoảng 250kg phân hữu cơ hoai thông thường. Bón phân giàu lân dễ tan để kích thích cây ra rễ mới, tạo tiền đề cho cây hồi phục và phát triển sau thời gian gặp khó khăn; đồng thời, giúp cây phân hóa và ra hoa nhiều tập trung ở đầu vụ. Lượng phân DAP (không dầu) thường bón khoảng 0,5- 1kg/cây trưởng thành, tùy theo độ lớn tán và mật độ trồng của cây trong vườn. Các biện pháp chăm sóc khác để vườn cây cho năng suất cao, phẩm chất tốt, bền vững: Sau khi bón các loại phân trên khoảng 3 tuần, có thể bón bổ sung một lượng đạm vừa phải, giúp cây ra hoa và tược non nhiều, đồng loạt. Lượng urea khoảng 150- 200 kg/ha. Cần bón đúng loại phân cây cần trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển như phân chuyên dùng cho cây ăn trái AT 1, AT 2 và AT 3 dùng bón cho giai đoạn phục hồi (kích thích ra tược), thúc ra hoa và nuôi trái. Cần có bờ bao, cống bộng hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa lợ; chống ngập úng trong thời kỳ mưa lũ, triều cường; siết nước lúc xử lý ra hoa; giữ mực thủy cấp đủ độ sâu phù hợp khoảng 1 mét trong điều kiện bình thường.

Bố trí bóng che hợp lý: chanh, quýt khoảng 50%, cam khoảng 40%, bưởi khoảng 30%. Tăng cường vật liệu che phủ liếp như lục bình, lá dừa nước, bụi chỉ xơ dừa,... vào đầu mùa nắng nhằm duy trì độ ẩm đất, hạn chế sự thiếu nước của vườn cây trong mùa khô, nước bị nhiễm lợ. Nuôi kiến vàng trong vườn để kiểm soát một số sâu hại như bọ xít (xanh, đen), nhện (đỏ, trắng, vàng), các loài sâu ăn lá, rầy rệp. Bón các chế phẩm nấm Trichoderma cùng với phân hữu cơ nhằm hạn chế sự gây hại của các loài nấm gây thối rễ, thân cành.

KS. Hồ Văn Lập (TT KN-KN Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN