Các sản phẩm từ dừa đạt mức tăng khá

10/02/2023 - 05:58

BDK - Hiện toàn tỉnh có hơn 78 ngàn héc-ta trồng dừa. Trong năm 2022, mặc dù giá dừa giảm nhưng tình hình phát triển cây dừa khá ổn định, do người trồng dừa giữ vững niềm tin về cây dừa sẽ phát triển theo hướng bền vững thông qua các mối liên kết ngang, dọc. Đặc biệt, thông qua các liên kết với doanh nghiệp (DN) về đầu ra sản phẩm.

Nông dân trong vùng liên kết với doanh nghiệp an tâm giữ vững diện tích dừa và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Giá dừa giảm sâu và kéo dài

Giá dừa khô trái và cơm dừa bắt đầu có chiều hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 3-2022. Sang quý II-2022, giá dừa tiếp tục giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng dừa. Hiện nay, giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn chỉ còn ở mức 35 - 40 ngàn đồng/chục và khoảng 25 - 30 ngàn đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự thu hoạch dừa.

Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ có giá từ 30 - 65 ngàn đồng/chục. Giá cơm dừa trắng từ 9 - 10 ngàn đồng/kg (tùy loại). Các tháng trong quý III-2022, giá dừa có tăng so với các tháng cuối quý II-2022 nhưng mức tăng không nhiều (từ 30 - 40 ngàn đồng/chục tùy loại) nên cũng chưa cải thiện được thu nhập của người trồng dừa. Xu hướng chung, giá dừa tại huyện Mỏ Cày Bắc cao nhất, tiếp đến huyện Mỏ Cày Nam và sau đó là huyện Giồng Trôm. Giá hầu hết các sản phẩm dừa chế biến và phụ phẩm từ trái dừa như mụn dừa, gáo dừa, nước dừa giảm mạnh...

Mặc dù giá dừa giảm sâu và kéo dài nhưng người trồng dừa nuôi giữ niềm tin với cây dừa và tiếp tục chăm sóc vườn dừa, áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trị sâu bệnh trên cây dừa, kết quả đã khống chế, phòng trị hiệu quả sâu đầu đen. Đồng thời, xây dựng vùng trồng theo hướng hữu cơ, cho năng suất và chất lượng tốt hơn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích vườn dừa, nhiều hộ trồng dừa hữu cơ kết hợp nuôi ong lấy mật trong vườn dừa; ứng dụng kỹ thuật lấy mật hoa dừa… cho hiệu quả kinh tế tăng cao gấp nhiều lần.

Công nghiệp và xuất khẩu

Theo số liệu từ Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) và tiểu thủ CN đối với các sản phẩm chủ lực ngành dừa (như cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, chỉ xơ dừa, than hoạt tính) đều vượt giá trị sản xuất CN năm 2021. Kết quả, giá trị sản xuất chế biến dừa năm 2022 ước đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ, chiếm 10% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. So với kế hoạch năm, hầu hết các sản phẩm đều đạt, vượt, riêng chỉ có chỉ xơ dừa là đạt thấp 65%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2022 đạt 1.500 triệu USD. Riêng các sản phẩm từ dừa ước đạt 420 triệu USD, tăng 11,52%. Các sản phẩm cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon sản lượng xuất khẩu đều vượt so với năm 2021, trong đó nước cốt dừa tăng khá, vượt 30,88%.

Năm 2022, là một năm có nhiều khó khăn đối với ngành dừa Bến Tre từ khâu trồng trọt, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhưng ngành dừa vẫn tiếp tục phát triển. Các DN đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Một số DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chế biến sâu, nhằm cho ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao và rất được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Trong đó, có thể kể đến: Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu…

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp tốt với các ngành và các địa phương để giải quyết những vấn đề có liên quan đến ngành dừa. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, có hiệu quả cao, nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới trong điều kiện hội nhập. Cập nhật, hỗ trợ DN tiếp cận thông tin kinh tế, biến động thị trường. Liên kết, trao đổi thông tin chặt chẽ với cộng đồng dừa quốc tế trong sản xuất, tư vấn phòng trừ dịch bệnh và những khó khăn trong chuỗi cung ứng.

“Hiệp hội sẽ phối hợp với các ngành xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN