Các giải pháp phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội

31/05/2021 - 06:17

BDK - Theo đánh giá của Công an tỉnh, 5 tháng qua, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm nhưng tội phạm xâm phạm nhân thân, nhất là tội phạm giết người tăng, đã xảy ra 6/2 vụ, tăng 4 vụ; tội cố ý gây thương tích 38/32 vụ, tăng 6 vụ. Tội phạm trộm cắp còn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tội phạm, gồm 94 vụ, chiếm 34,96% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Đại tá Võ Công Bình - Phó giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm. Ảnh: Hữu Hiệp

Tội phạm còn diễn biến phức tạp

Phạm pháp hình sự gia tăng, trong đó, Bình Đại 28/18 vụ, tăng 10 vụ (55,56%); Thạnh Phú 32/30 vụ, tăng 2 vụ (6,67%); TP. Bến Tre 75/57 vụ, tăng 18 vụ (31,58%). Tệ nạn xã hội, đã triệt xóa 315/209 vụ, nhiều hơn 106 vụ (50,72%), gồm đánh bạc 201 vụ, sử dụng trái phép chất ma túy 112 vụ, đã xử lý 145 vụ với 601 đối tượng.

Mặc dù số điểm, tụ điểm tệ nạn xã hội được triệt xóa nhiều hơn, 201/152 vụ, tăng 49 vụ, chiếm 30,25%, nhưng tình hình tệ nạn cờ bạc còn xảy ra nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn. Các điểm, tụ điểm đã bị triệt xóa nhưng sau đó lại nhanh chóng tái hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân.

Tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn tỉnh phát hiện 59/43 vụ phạm tội về ma túy, tăng 16 vụ, chiếm 37,21%. Tệ nạn sử dụng trái phép chất ma túy còn xảy ra nhiều, nhất là trong các cơ sở ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như karaoke, khách sạn, nhà nghỉ. Đã triệt xóa 112/52 vụ sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 60 vụ (115%), trong đó có 21 điểm sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh, chiếm 18,78%.

Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục gia tăng và đây chính là nguồn phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật. Theo thống kê cho thấy, tổng số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy hiện có 3.843/3.692 trường hợp, tăng 151 trường hợp (4,1%). Trong đó, có 118.314 người nghiện, người sử dụng ma túy phạm tội, chiếm 37,58% trong tổng số đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Giải pháp của các ngành

Theo Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Nguyễn Văn Hải, thời gian qua, Hội CCB đã tham gia công tác phòng chống tội phạm, tích cực giữ vững và phát huy 2 mô hình quan trọng. Đó là mô hình xây dựng “khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và nghĩa tình”. Hội phối hợp với ngành công an thực hiện nội dung “an toàn” trong các khu dân cư; hàng năm đều có sơ kết mô hình, kiểm tra để tiếp tục phát huy và đồng hành cùng công an giữ cho xóm làng bình yên. Mô hình thứ hai là hội viên CCB tham gia tổ nhân dân tự quản và đã thống nhất nhân rộng trong toàn tỉnh từ 2 năm qua, hiện đang tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình. Tuy nhiên, cũng còn băn khoăn do phần lớn hội viên CCB đều tuổi cao. Qua theo dõi tình hình chung, thì hoạt động tổ nhân dân tự quản cũng hiệu quả ở một số nơi, nhất là vùng nông thôn, đã góp phần rất lớn trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục củng cố, nâng chất các mô hình.

Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Quỳnh cho rằng, trong công tác cảm hóa giáo dục thanh niên, Câu lạc bộ (CLB) Thắp sáng niềm tin đã không còn hiệu quả nữa, do không được duy trì. CLB do Tỉnh Đoàn phối hợp với công an xã triển khai; bí thư hoặc phó bí thư xã đoàn là chủ nhiệm, công an xã là phó chủ nhiệm, các thành viên gồm những thanh niên chậm tiến, thanh niên đã hoàn lương tốt tại cộng đồng. Mỗi lần sinh hoạt, công an sẽ chịu trách nhiệm mời các đối tượng tệ nạn xã hội đến tham gia. Các thanh niên đã hoàn lương là người trực tiếp cảm hóa. Mô hình duy trì được 2 năm, sau đó phát sinh vấn đề các đối tượng sau khi được cảm hóa, giới thiệu việc làm thì bị vướng, đặc biệt là các em liên quan đến ma túy. Các em có niềm tin rất lớn nhưng lại không thể tái hòa nhập cộng đồng.

“Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất với ngành công an sẽ phối hợp bài bản hơn, tạo điều kiện, nguồn lực để duy trì CLB này. Thời gian qua, việc cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến chưa hiệu quả là do chúng ta chỉ làm theo một chiều và trong thế thụ động. Về thanh niên tham gia tụ tập gây rối, đánh bài, đá gà, cần hội đủ 3 yếu tố mới có thể thực hiện thành công. Đó là giúp cho người dân tố giác, hiệu quả xử lý khi người dân tố giác; các đoàn thể tập trung tuyên truyền sao cho có hiệu quả hơn; đảm bảo đường dây nóng bí mật, an toàn khi người dân tham gia tố giác tội phạm”, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Quỳnh cho biết thêm.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Thị Hoàng Oanh cho biết, hội thành lập CLB Phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng được 556 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 30 tổ phản ứng nhanh về phòng chống bạo lực gia đình tại TP. Bến Tre, Chợ Lách; 157 tổ tuyên truyền lưu động với trên 2.000 thành viên tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả, các mô hình còn một số hạn chế, nhất là khâu tiếp cận đối tượng. Các mô hình thu hút nhiều hội viên tham gia nhưng đa phần đều là hội viên tích cực, gia đình tiến bộ thì tham gia; còn việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ như các gia đình có con em quậy phá, hoặc đang vi phạm thì rất hạn chế. Khâu tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt.

“Thời gian tới, đề nghị ban chỉ đạo, cụ thể giữa công an tỉnh và các đoàn thể cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cơ sở định kỳ để kịp thời chấn chỉnh. Trong công tác bàn giao các đối tượng hoàn lương cho các đoàn thể nhận để cảm hóa, giáo dục phải thật sự phù hợp, tránh hình thức. Hội sẽ phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm trong trường học cho các đối tượng là học sinh, sinh viên”, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Thị Hoàng Oanh đề nghị.

Theo Đại tá Võ Công Bình - Phó giám đốc Công an tỉnh, phòng chống tội phạm có thể khái quát là công tác phòng ngừa xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phát động, vận động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiệu quả chưa cao, nhất là phối hợp trong công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, răn đe các đối tượng. Vì đối tượng tham gia tệ nạn chủ yếu là người địa phương, có 980/1.048 đối tượng, chiếm 95,51%. Việc xây dựng và nhân rộng các điển hình, củng cố lực lượng nòng cốt, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác phong trào chưa quyết liệt. Vai trò, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chưa thật sự cao. Một số chỉ tiêu đặt ra chưa đạt như kéo giảm người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 151 trường hợp); tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt trên 90% nhưng đến nay chỉ đạt 68,92%.

Hướng tới, ngành công an tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Phát động phong trào thi đua phòng chống tội phạm; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhận lãnh, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú tại địa phương. Rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh trật tự.

“Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp tấn công, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu, xâm hại trẻ em, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, tội phạm liên quan đến hụi vay, “tín dụng đen”, ma túy, các loại tệ nạn xã hội. Kiên quyết không để hình thành các điểm, tụ điểm, băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động ngang nhiên, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân”.

(Đại tá Võ Công Bình - Phó giám đốc Công an tỉnh)

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN