Dự án chỉnh trang khu dân cư đô thị Phú Khương, TP. Bến Tre đã cơ bản hoàn thành.
Tiến độ còn chậm
Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 6 DA tại TP. Bến Tre. Tuy nhiên, đến thời điểm này có 4 DA đô thị mới được triển khai, với diện tích 213ha, dự kiến khả năng hoàn thành hơn 150ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh tổng diện tích các DA đã khảo sát, trình HĐND tỉnh dự kiến trên 1.700ha. Riêng các DA đã được thông qua là 19, trong đó có 4 DA đã chọn được nhà đầu tư, 1 DA đang lập hồ sơ đấu thầu, 12 DA đang hoàn chỉnh quy trình lựa chọn nhà đầu tư.
Trong 4 DA đã lựa chọn nhà đầu tư DA Khu đô thị phía Nam TP. Bến Tre đã cơ bản hoàn thành quy trình đầu tư xây dựng, đang trình Hội đồng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt đơn giá giải phóng mặt bằng. Các DA còn lại là Khu đô thị mới Đông Bắc, phường Phú Khương; Khu đô thị mới Mỹ An; Khu đô thị mới Mỹ Hóa, TP. Bến Tre đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500. Dự kiến trong tháng 8-2021, 3 DA này sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500.
Có 12 DA trong giai đoạn hoàn chỉnh quy trình đầu tư theo Luật Đầu tư mới năm 2020, trong đó có 9 DA quy mô dưới 50ha, do tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Có 3 DA trên 50ha, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (gồm Khu đô thị sinh thái Bến Tre; DA đầu tư phát triển đô thị mới Mỹ Thạnh An; DA đầu tư phát triển đô thị Tây Bắc, TP. Bến Tre).
Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết: Nhìn chung, các DA đều gặp khó khăn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng công tác đấu thầu; không có quỹ đất nhà ở xây dựng khu tái định cư; một số DA cần phải thay đổi tên cho phù hợp… Trong đó, DA chỉnh trang và phát triển khu đô thị mới Tây Bắc, TP. Bến Tre tiến độ triển khai thẩm định, phê duyệt đồ án chậm so với kế hoạch. Vì vậy, ảnh hưởng chung đến tiến độ triển khai tổng thể của DA.
Tập trung nguồn lực
“Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do mỗi DA khi thực hiện có liên quan đến 8 luật khác nhau. Mặt khác, một số luật trong giai đoạn điều chỉnh như luật đầu tư, luật đấu thầu, luật xây dựng”, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết.
Theo góp ý của đại diện một số sở, ngành, giải pháp trong thời gian tới là khi mời gọi nhà đầu tư thì lựa chọn các đơn vị có năng lực thật sự; đẩy nhanh tiến độ triển khai; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; DA nào chưa đấu thầu thì khẩn trương đấu thầu…
Để đảm bảo chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giai đoạn đầu tư trong thời gian tới được thuận lợi, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng đề xuất giải pháp đến các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của tỉnh về đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư mới theo hướng tạo ra các cơ chế thu hút đầu tư vừa hấp dẫn, vừa cụ thể, công khai minh bạch, khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu dân cư, khu đô thị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy trình nhà đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các DA có tiến triển nhưng còn chậm so với kỳ vọng. Do đó, cần khẩn trương rà soát các DA đô thị. Đặc biệt, đối với các DA không triển khai, có thanh tra năng lực thực hiện của các chủ đầu tư để thu hồi chủ trương đầu tư đối với các DA chậm triển khai. Tập trung mọi nguồn lực để triển khai các DA trong năm 2021.
“Cần tính toán diện tích khu tái định cư chặt chẽ với nhu cầu tái định cư của người dân trong khu vực dự án. Đối với dự án chỉnh trang và phát triển khu đô thị mới Tây Bắc có hàng ngàn hộ phải giao đất cho dự án. Đối với các dự án có nhà đầu tư, cần làm việc trực tiếp các nhà đầu tư để đốc thúc các dự án triển khai…”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc