Bộ Tài chính tổng kết công tác tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
31/12/2024 - 17:31
BDK.VN - Chiều 31-12-2024, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đến dự. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu các địa phương tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chủ trì.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chủ trì điểm cầu tỉnh.
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt thực hiện công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi.
Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán. Đây là lần đầu tiên số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Riêng Bến Tre, tính đến 16 giờ 30 ngày 31-12-2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.425 tỷ đồng, đạt 113,1% dự toán Trung ương giao và 111,5% dự toán địa phương.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP khá cao trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Thời gian tới, cần tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng, đồng thời kiểm soát tốt tình hình ngân sách, bội chi và nợ công. Đồng thời, cải cách hệ thống quản lý tài chính công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả sử dụng ngân sách. Cần điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách thuế cần được rà soát, sửa đổi để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư. Chính sách lãi suất cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.