Bình Thành thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

29/04/2019 - 07:36

BDK - Bình Thành là một trong hai địa phương dẫn đầu của huyện Giồng Trôm trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt tỷ lệ rất cao. Trong hai năm 2016 - 2017, số thanh niên địa phương tham gia XKLĐ ngày càng tăng. Năm 2017, xã nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác này.

Anh Dũng vui mừng trong căn nhà mới được xây xong.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phạm Quốc Toàn đánh giá rất cao về công tác tuyên truyền, vận động đưa người lao động tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài của Bình Thành trong những năm gần đây. Qua bình nghị và xét khen thưởng của huyện, hai địa phương là xã Tân Thanh và Bình Thành luôn dẫn đầu liên tục nhiều năm về công tác này. “Đó là nhờ sự quan tâm, vào cuộc khá quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt là kể từ khi xã Bình Thành được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hỗ trợ thành lập Ban tuyên truyền, vận động tháo “điểm nghẽn” trong công tác thông tin đã thật sự giúp cho địa phương đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống. Người dân kịp nắm bắt được những thông tin, chủ trương, chính sách ưu đãi và tích cực tham gia vào công tác XKLĐ. Từ năm 2016 - 2017, xã Bình Thành có 32 thanh niên tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài, nhiều nhất là thị trường Nhật Bản. Năm 2018 có 22 lao động tham gia.

Bình Thành là xã thuần nông, có gần 3.000 hộ với gần 10 ngàn nhân khẩu. Cuối năm 2018, qua bình xét, toàn xã hiện còn 108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 3% (so với đầu năm giảm 24 hộ), 151 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 5% (giảm 2 hộ). Trong năm, bằng nhiều nguồn vận động, địa phương đã xây dựng và bàn giao 5 căn nhà tình thương cho hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thông qua các hội, đoàn thể, địa phương kịp thời hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận để sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Cụ thể đã giải ngân cho 146 hộ nghèo với tổng số tiền vay hơn 3,3 tỷ đồng, 95 hộ cận nghèo vay với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2019, xã đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay vốn của hộ dân, trong đó, hộ nghèo và hộ cận nghèo có con em trong độ tuổi lao động vay để tham gia XKLĐ có tăng lên. Trong năm 2016 và 2017, có 6 lao động tham gia XKLĐ là con em hộ nghèo và cận nghèo). Những tháng đầu năm 2019, có 13 lao động đăng ký tham gia XKLĐ, đang theo học tiếng Nhật 8 lao động, dự kiến trong tháng 7 và đầu tháng 9-2019 sẽ đi.

“Chỉ tiêu của huyện giao trong năm 2019 là 18 lao động. Địa phương đang quyết tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập trung vào đối tượng lao động là con em thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Hiện nay, chính sách hỗ trợ để con em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài là rất thuận lợi vì nguồn vốn hỗ trợ và điều kiện vay vốn dễ dàng, thủ tục nhanh”- bà Trần Thị Châu Pha - công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã cho biết.

Thoát nghèo nhờ XKLĐ

Sinh năm 1968, Ấp 5, xã Bình Thành. anh Phan Văn Dũng có 3 người con (1 trai và 2 gái). Hoàn cảnh gia đình khá chật vật vì không có vốn, không đất sản xuất. Năm 2006, khi anh Dũng đang đi biển ở tỉnh Cà Mau thì hay tin vợ mất vì cơn bạo bệnh. Để nuôi lấy 4 miệng ăn, anh phải làm thuê, làm mướn. Bản thân anh cũng mắc phải chứng bệnh thận, sức khỏe ngày yếu dần và anh đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Đứa con trai lớn sớm nghỉ học đi làm thợ hồ phụ cha. Gia đình anh rơi vào diện hộ nghèo nhiều năm liền.

Năm 2006, Phan Thị Ngọc Linh, đứa con gái thứ ba của anh vừa tốt nghiệp THPT. Thấy gia đình khó khăn và nắm bắt những thông tin tuyển dụng lao động, qua công tác tuyên truyền, vận động của các hội, đoàn thể ấp, Linh đã mạnh dạn đăng ký tham gia hợp tác lao động có thời hạn tại Nhật bản. Chỉ sau hơn 2 năm, Linh đã gửi tiền về giúp anh Dũng hoàn trả hết các nguồn vốn vay và xây được căn nhà khá khang trang.  Số tiền tích lũy sau này, Linh sẽ làm vốn để lập nghiệp. “Ba anh em nhưng chỉ có bé Linh là ăn học đàng hoàng nhất, học giỏi lắm nhưng hoàn cảnh gia đình nên cháu tham gia XKLĐ. Nhờ có cháu nó mà gia đình mới xây dựng căn nhà này và thoát được cảnh nghèo” - anh Dũng tâm sự.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN