Hàng hoá Tết tại siêu thị Dừa Bến Tre. Ảnh: C. Trúc
Sở Công Thương triển khai thực hiện công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ Tết; theo dõi sát biến động thị trường, chủ động có phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt ở các dịp cao điểm; kịp thời phát hiện, đề xuất UBND tỉnh xử lý những tồn tại, diễn biến bất thường của thị trường. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng, địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, đánh giá năng lực cung ứng nguồn thịt heo và các mặt hàng thiết yếu khác cung ứng cho thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực phẩm, như: siêu thị, trung tâm thương mại, chợ… phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, nhất là mặt hàng thịt heo và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ Tết.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu một cách hợp lý nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa trong dịp Tết.
* Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.
Từ ngày 1-1 đến hết 20-3-2021, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh về ATTP sẽ thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, tập trung các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền đến người sản xuất, kinh doanh, chế biến tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP tại nơi sản xuất.
Đối với người tiêu dùng thực phẩm cần đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết vì sản phẩm sẽ không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, ôi thiu.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, không nên uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Tuyệt đối không uống rượu không có nguồn gốc, không được công bố tiêu chuẩn chất lượng. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.
C.Trúc - Ph.Hân