Hệ thống cống trữ nước mương vườn của hộ ông Bùi Văn Hoàng.
Phó chủ tịch UBND xã Vang Quới Tây Nguyễn Thanh Hải cho biết: Vang Quới Tây là địa phương trọng điểm chuyên canh chủ lực về cây dừa và một số loại cây ăn trái, chủ yếu bưởi, cam, mít. Vì vậy, bước vào mùa khô 2023, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo việc đóng mở hệ thống cống ngăn mặn theo diễn biến độ mặn dự báo và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động nạo vét mương vườn, kiểm tra hệ thống cống, đảm bảo tích trữ nguồn nước ngọt tưới bảo vệ cây trồng hiệu quả nhất là trong mùa hạn mặn.
Để bảo vệ hơn 2ha vườn cây trồng xen canh bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, dừa ta đang cho thu hoạch và vườn dừa giống xen mít được 2 năm tuổi, từ đầu tháng 12-2022, ông Bùi Văn Hoàng, ở ấp Vinh Điền, xã Vang Quới Tây đã tiến hành cải tạo mương vườn, kiểm tra cống bọng để chủ động nguồn nước tưới tiêu. Ông Hoàng chia sẻ, nhằm chủ động trong việc đóng, mở cống vào mương vườn, trữ nước tưới tiêu trong trường hợp khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài không ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng, ông trang bị thêm máy đo độ mặn, thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến độ mặn trên các sông. Nhờ đó, đến nay, diện tích cây trồng của gia đình ông Hoàng vẫn phát triển xanh tốt và cho năng suất khá cao. Hiện trung bình mỗi tháng cho thu hoạch từ 500 - 700kg bưởi da xanh, dừa xiêm xanh và khoảng 3.000 trái dừa. Ông Hoàng cho biết thêm: Hiện với trên 10 mương vườn được trữ nước, ông có thể tưới cho cây trồng đảm bảo đến mùa mưa.
Cũng là hộ dân tích trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới cho trên 2ha dừa xiêm xanh và dừa ta đang cho trái ổn định, ông Lê Ngọc Trí, ở ấp Vinh Điền cho biết, đã có cách tích trữ nước và áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật hiệu quả trong những tháng hạn mặn hàng năm. Theo ông Trí, rút kinh nghiệm mùa hạn mặn 2020, năm 2021, ông đã đầu tư hệ thống cống 2 chiều, trong đó một chiều dùng để lấy nước, một chiều dùng để xả phèn và có hệ thống tưới phun tiết kiệm tự động dưới gốc cây dừa, giúp nước thẩm thấu vào gốc cây, tạo độ ẩm lâu trong đất, hạn chế lượng nước tưới cho cây. Cứ 3 ngày, ông tưới 1 lần, mỗi lần tưới 3 giờ, nhờ đó, vườn dừa đến thời điểm này vẫn cho thu hoạch đảm bảo đạt sản lượng từ 1.300 - 1.500 trái mỗi tháng. Ông Trí bộc bạch: “Khi ngoài sông độ mặn lên, tôi đóng kín cống thoát nước ra vào vườn để trữ đầy lượng nước ngọt trong các ao vườn. Nếu mặn kéo dài, nước trong các ao trữ cạn, tôi dùng tàu dừa ủ gốc để hạn chế bốc thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho cây”.
Đến nay, nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của bà con nông dân trên địa bàn xã vẫn đảm bảo đầy đủ. Các diện tích cây trồng phát triển xanh tốt và cho thu hoạch ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu của mùa hạn mặn. Người dân cần chủ động, không lơ là, chủ quan trước diễn biến thời tiết và tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Thanh Hương