Bình Đại chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô 2023-2024

06/11/2023 - 06:39

BDK - Bình Đại là một huyện biển của tỉnh, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề bởi tác động hạn mặn gây ra. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh, lãnh đạo và nhân dân huyện đã chủ động các giải pháp phòng chống hạn mặn toàn diện.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai kiểm tra công tác vận hành tại Nhà máy nước Đan Mạch.

Mùa khô năm 2022-2023, hạn mặn đã làm thiệt hại trên 54,83ha diện tích dưa hấu và xoài của người dân ở hai xã Thừa Đức và Thới Thuận. Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn năm 2023-2024 sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, nắng hạn có thể sẽ kéo dài, lượng mưa thấp, dẫn đến thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với mục tiêu đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nước tưới cho trên 41.755ha diện tích đất sản xuất lúa, cây màu, cây ăn trái, trồng dừa và nuôi thủy sản; đặc biệt là bảo đảm nước ngọt sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Rút kinh nghiệm từ các mùa hạn mặn đã qua, ngay từ những tháng cuối năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các ngành liên quan, các địa phương, nhất là các nhà máy nước trên địa bàn lập kế hoạch, lên phương án cụ thể ứng phó hạn mặn.

Trên địa bàn huyện hiện có 6 nhà máy nước sạch hoạt động với tổng công suất 1.335m3/h, tập trung tại các xã Long Định, Thới Lai, Lộc Thuận, Phú Long, Thạnh Trị; 47 hệ thống máy lọc nước RO được đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn đang hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho 35.275 hộ dân khi có hạn mặn xảy ra, chiếm trên 82% tổng hộ dân toàn huyện. Những ngày qua, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến khảo sát và kiểm tra thực tế công tác vận hành nguồn nước ngọt phục vụ cho người dân tại các nhà máy nước và hệ thống máy lọc nước RO trên địa bàn huyện, qua đó đã đề nghị các nhà máy nước, các địa phương kể từ thời điểm này tập trung triển khai kế hoạch phân phối nước hợp lý, lập phương án kích hoạt, phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân khi hạn mặn diễn ra gay gắt.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai cho biết: “Ngay từ đầu năm, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó hạn, mặn thông qua việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, gia cố các công trình thủy lợi như nạo vét, khai thông dòng chảy các kênh nội đồng tạo nguồn tích trữ nước hoặc đóng mở các cống ngăn mặn, trữ ngọt theo lịch vận hành”.

Theo ông Võ Thanh Tùng - Quản lý Nhà máy nước Đan Mạch, nhà máy hoạt động với công suất 6.500m3/giờ ngày đêm, cung cấp cho hơn 11 ngàn hộ dân ở các xã Bình Thới, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng và thị trấn, một phần của xã Định Trung. Tuy nhiên, hiện nhà máy chưa hoạt động hết công suất. Kế hoạch cung cấp nước mùa hạn mặn sắp tới, nhà máy sẽ hoạt động hết công suất và chuẩn bị 2 hồ chứa, mỗi hồ 5.000m2, sâu 4m, chứa được tổng lượng nước 40.000m3. Bên cạnh đó, nhà máy cũng lắp đặt hệ thống nước RO, mỗi giờ 4m3 để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân...

Nhiều giải pháp phòng chống mặn xâm nhập đã và đang được huyện triển khai đồng bộ. Người dân đã ngày càng ý thức và chủ động có kế hoạch ứng phó hạn mặn. Bà con luôn theo dõi tình hình dự báo hạn mặn qua các kênh thông tin truyền thông và khuyến cáo của ngành chuyên môn, chủ động trữ nước bằng nhiều hình thức và sử dụng nước hợp lý, hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Đại có 70 công trình cống ngăn mặn luôn có cán bộ túc trực 24/24, trong đó có 49 cống lớn, 21 cống tròn nhỏ, đồng thời có 320 tuyến kênh, 3 hệ thống đê, gồm: đê sông Tiền, đê bao Ba Lai và đê biển và đang đầu tư tập trung gia cố bờ bao Tam Hiệp dài 24km.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN