Biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa ở Mỏ Cày Bắc

17/10/2021 - 20:39

BDK - Từ tháng 7-2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều điểm có vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại tại một số huyện trên địa bàn tỉnh với mức độ gây hại rất nặng. Ước thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá trên cây và trên 80% năng suất cây dừa.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Bắc hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: Đ. Vũ

Sâu đầu đen hại dừa là loài sâu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm, là một loài sâu hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa. Sâu non (ấu trùng) tấn công cả vườn cây mới trồng đến cây trưởng thành cả nhóm dừa cao và dừa lùn. Sâu đầu đen gây hại làm tàu lá dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá trưởng thành đến các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá, vỏ trái, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất.

Về biện pháp quản lý tạm thời khi phát hiện có sâu đầu đen xuất hiện, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần nhanh chóng cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá bị sâu gây hại đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại hiệu quả. Tuy nhiên, khi dịch hại xuất hiện nặng, cần can thiệp biện pháp hóa học. Nếu vườn bị gây hại trong khu dân cư hoặc chăn nuôi, bà con nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, phun nhiều lần cách nhau 5 - 7 ngày. Bà con nông dân có thể sử dụng một trong hai gốc thuốc được khuyến cáo để phòng trừ. Thuốc trừ sâu gốc Flubendiamide: Takumi 20WG liều lượng 5gam/bình 25 lít nước phun 4 - 5 cây tùy tuổi cây. Theo thí nghiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, thuốc Takumi 20WG có hiệu quả cao trong phòng trị sâu đầu đen hại dừa và được đăng ký an toàn với tôm, cá. Thuốc trừ sâu gốc Emamectin benzoate (Actimax 50WG) với lượng nước khoảng 6 - 7 lít/cây (tùy thuộc vào tán dừa).

Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, bên cạnh biện pháp dùng thuốc hóa học thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đang hướng đến việc dùng biện pháp nhân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm phòng trừ sâu đầu đen. Tính đến tháng 10-2021, toàn huyện sâu đầu đen gây hại với diện tích 55,12ha. Kết quả, đã xử lý 10.002 cây dừa (trong đó phun thuốc: 9.179 cây và đốn, tiêu hủy các cây dừa bị gây hại nặng: 823 cây; thả ong ký sinh: 8.442 con. Thời gian tới, huyện sẽ hướng đến kiểm soát sâu đầu đen bằng các biện pháp sinh học vì thực tế nhiều nơi đã áp dụng thành công biện pháp này bằng ong ký sinh.

Bên cạnh các giải pháp đã được khuyến cáo, ngành chuyên môn lưu ý bà con cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời sâu đầu đen gây hại cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen mới xuất hiện và gây hại thì tiến hành cắt những tàu lá dừa bị gây hại đem ngâm chúng dưới mương có nước hoặc đem đi đốt ngay nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Thường xuyên phát quang những cây trồng xen không hiệu quả kinh tế làm che phủ vườn dừa để hạn chế sâu hại tấn công và tạo điều kiện cho vườn thông thoáng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Mai Đông Vũ

(Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Bắc)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN