Năm học 2021-2022, tỉnh có 14.886 học sinh lớp 6 theo học bộ SGK mới. Ảnh: P. Tuyết
Dạy theo phương pháp phát triển phẩm chất và năng lực người học
Trong xu thế hội nhập và phát triển, cùng với yêu cầu đổi mới chương trình SGK hiện nay; quản lý hoạt động dạy học theo nội dung ở các trường không còn phù hợp nữa. Vì thế, các trường và thầy cô giáo phải chuyển từ phương pháp dạy học theo nội dung sang phương pháp dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học, đây cũng là một yêu cầu tất yếu và quan trọng mà các nhà quản lý và thầy cô giáo cần phải thực hiện nhằm quản lý có hiệu quả chương trình thay SGK lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học, các trường tiểu học và THCS cần tập trung chỉ đạo Ban lãnh đạo và thầy cô giáo nhà trường tiếp tục nghiên cứu thật kỹ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, bám sát các nội dung đổi mới chương trình từng môn học, xem xét cấu trúc và cách tiếp cận chương trình SGK mới, nội dung tích hợp dạy học của từng môn học…Từ đó, giáo viên có định hướng và thực hiện tốt phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và thực tiễn giảng dạy nhà trường. Thầy cô giáo cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên áp dụng các modun đã được bồi dưỡng vào thực tiễn dạy học, tiếp tục nghiên cứu phương pháp và hình thức dạy học hiện đại; dạy học theo nghiên cứu bài dạy, nghiên cứu phương pháp dạy học theo STEM; dạy theo dự án, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật, tích hợp bộ môn, phân hóa đối tượng học sinh, phát triển năng lực học sinh….mạnh dạn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tâm lý và đối tượng học sinh trong nhà trường.
Đối với học sinh lớp 1, giáo viên cần hướng dẫn học sinh quen dần với phương pháp tiếp cận nội dung SGK mới, liên kết từng mạch kiến thức đã được học, tạo cơ hội cho học sinh tổ chức nhiều hoạt động phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tiếp tục định hướng để học sinh kế thừa, hội đủ kiến thức, kỹ năng và phương pháp tự học, để học sinh làm cơ sở và tiền đề vững chắc khi tiếp cận và học SGK lớp 2 mới đạt hiệu quả.
Đối với học sinh lớp 5, đây là đối tượng phải tiếp cận chương trình SGK mới lớp 6. Trong khi đó các em học chương trình lớp 5 theo SGK hiện hành (chương trình SGK năm 2000). Các em phải tiếp cận chương trình mới, không có sự liên thông từ lớp 5. Do đó, các trường tiểu học cần điều chỉnh kế hoạch dạy học theo định hướng lồng ghép, tích hợp theo một số nội dung chương trình môn học. Thầy cô phải điều chỉnh nội dung dạy học và thực hiện có hiệu quả phương pháp dạy học, khéo léo trong việc theo sát từng đối tượng học sinh, kiểm soát được quá trình học tập của các em, bồi dưỡng kỹ năng học tập cho các em. Qua đó, giáo viên phải chuyển dần theo hướng dạy học phát triển năng lực học sinh, thông qua các hoạt động dạy học của giáo viên như: việc giao nhiệm vụ học tập, cách tổ chức và hình thức học tập trên lớp; tạo động lực cho học sinh học tốt, giúp học sinh phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tự học trong học tập….
Một điểm mới của chương trình SGK lớp 6, mà các nhà quản lý và thầy cô giáo cần quan tâm đó là một số môn học mới như khoa học tự nhiên với các phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học; bộ môn xã hội: Lịch sử, Địa lý hay bộ môn Hoạt động trải nghiệm. Do đó, các trường cần cho giáo viên nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức củng cố các tổ chuyên môn liên môn khối tự nhiên và xã hội; trao đổi kỹ mạch kiến thức; đề xuất những giải pháp đưa vào dạy học trong năm học; triển khai kế hoạch chuyên môn thực hiện trong năm học; phân công bố trí nhân sự giáo viên giảng dạy đạt hiệu quả ….
Cần sự phối hợp các ngành, các cấp và cha mẹ học sinh
Thực hiện đổi mới thay SGK là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT, để thực hiện thành công chương trình thay SGK mới thì cần có sự lãnh đạo và phối hợp các ngành, các cấp; các tổ chức hội và cha mẹ học sinh. Do đó, lãnh đạo từng cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác truyền thông ở các cấp học (đặc biệt là cha mẹ học sinh lớp 2 và lớp 6); thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nội dung, chương trình SGK mới đến cha mẹ học sinh; thông báo niêm yết bộ SGK được chọn (sau khi được tỉnh phê duyệt). Thông tin những điểm mới của từng môn học; những yêu cầu để rèn kỹ năng học tập học sinh; các thiết bị học tập cho học sinh; phối hợp thật tốt với cha mẹ học sinh trong chăm sóc và theo dõi quá trình học tập của học sinh. Các trường cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tu bổ, sửa chữa trường lớp đủ điều kiện tất cả học sinh lớp 2 được học 2 buổi/ngày; triển khai các trang thiết bị phục vụ dạy học khi được trang bị; tổ chức tốt cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 học bồi dưỡng theo bộ SGK mới.
Năm học 2021-2022, Bến Tre có 20.237 học sinh lớp 2 và 14.886 học sinh lớp 6 theo học bộ SGK mới. Tỉnh đang tiến hành các bước lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của Bộ GD&ĐT. Công tác đầu tư các thiết bị dạy học được tỉnh quan tâm kịp thời với tổng kinh phí 206 tỷ đồng; đã đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng đầy đủ phục vụ thay sách. Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo toàn ngành quan tâm về đội ngũ giáo viên, phân công giáo viên dạy các lớp thay sách, chuẩn bị giáo viên học bồi dưỡng nội dung chương trình SGK mới trong năm học; thực hiện các quy trình công bố SGK đến cha mẹ học sinh... Đến nay, toàn ngành GD&ĐT đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho học sinh học thay SGK lớp 2 và lớp 6. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện giáo dục tỉnh Bến Tre. |
Võ Văn Luyến (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)