BDK.VN - Chiều 22-10-2024, tại Hà Nội, Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" đã diễn ra do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre có Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn dự và trình bày tham luận tại hội nghị.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".
Được biết, ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh 86km, cách TP. Cần Thơ 120km bằng đường bộ và thuộc 7 tỉnh trong khu vực tiếp giáp biển. Bến Tre có ưu thế phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển, nhất là thủy sản và các loại trái cây.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bến Tre trong phát triển ngành Halal Việt Nam.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, trong những năm qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và của suy thoái kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu... tuy nhiên kinh tế tỉnh Bến Tre có mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số, giá trị công nghiệp, chế biến chế tạo tăng trên 10%/năm trong 3 năm liên tiếp. Thị trường các sản phẩm từ dừa có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm thủy sản nhất là tôm, nghêu đã có mặt ở Châu Âu.
Với tầm nhìn dài hạn đến 2050 theo Quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, Bến Tre có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp và chế biến chế tạo, những ngành, sản phẩm thuộc ngành Halal như ngành dừa, thủy sản, cùng các loại trái cây đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long như sầu riêng, bưởi da xanh, ca cao, xoài…
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, vào tháng 9-2023, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả-rập Xê-út tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Ả-rập Xê-út, thống nhất tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm Halal của tỉnh nhà đến các quốc gia Hồi giáo.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đã gửi mẫu một số sản phẩm (Công ty Beinco, Công ty Lương Quới, Vĩnh Tiến…) thông qua kênh ngoại giao để hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số cơ quan đại diện ta ở một vài quốc gia. Bước đầu đã đem lại một số hiệu quả nhất định, một số sản phẩm được các đối tác chú ý, trao đổi thông tin để tiến hành xúc tiến thương mại.
Dịp này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh triển khai có hiệu quả chiến lược khai thác thị trường sản phẩm Halal; hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh Bến Tre tại một số cơ quan đại diện ta ở một số quốc gia tại thị trường Halal.
Các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal và hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal cũng như các thông tin về hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.
Tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và đa phương, các đối tác về các sản phẩm Halal, đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận về tăng cường sản xuất và phân phối thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal sang các thị trường trọng điểm.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cũng mong muốn các bộ ngành Trung ương giúp Bến Tre trong việc kết nối chính quyền và doanh nghiệp tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tập đoàn, doanh nghiệp uy tín của thị trường Halal nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong thời gian tới.