Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (bìa trái) cùng các đại biểu tham quan triển lãm trưng bày ảnh và sách về đường Hồ Chí Minh trên biển, bến Bến Tre. Ảnh: C. Trúc
Thế mạnh kinh tế biển
Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển... Đặc biệt là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.
Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh năm 2020 đạt 45.000ha, tạo ra sản lượng nuôi khoảng 295.020 tấn. Diện tích nuôi tôm các loại khoảng 30.815ha chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển Bình Đại, Thạnh Phú và một phần ít ở huyện Ba Tri; trong đó, diện tích nuôi tôm theo hình thức ứng dụng công nghệ cao khoảng 1.950ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha. Tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025.
Tình hình hoạt động khai thác ổn định, năng lực đánh bắt ngày càng phát triển, đạt 240 ngàn tấn năm 2020. Tổng số tàu khai thác thủy sản đăng ký 3.884 chiếc, sản lượng khai thác bình quân trên 140 ngàn tấn/năm. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Bến Tre có 3 cảng cá là cảng Bình Đại (Bình Thắng), cảng Ba Tri (Tiệm Tôm) và cảng Thạnh phú (An Nhơn) đáp ứng đủ công suất cho tàu cá cập bến.
Về phát triển năng lượng sạch, tỉnh hiện có 19 dự án điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 với quy mô 1.007MW và đang đề xuất bổ sung hơn 6.000MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Trong 19 dự án có 15 dự án đã triển khai thi công với tổng công suất 847MW, 11 dự án chuẩn bị lắp đặt tua-bin với công suất khoảng 427MW. Dự kiến đến cuối năm 2021 có tổng cộng 188MW được đấu nối vào lưới điện.
Về điện khí LNG dự kiến phát triển trên địa bàn 3 huyện ven biển với quy mô khoảng 10.000MW.
UBND tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa khu vực ven biển, tăng tỷ lệ đô thị hóa khu vực ven biển từ 20% năm 2020 lên 44% vào năm 2030. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận (năm 2022), triển khai đầu tư một số khu, cụm công nghiệp các huyện vùng biển như Khu công nghiệp An Nhơn, An Đức, Tân Xuân, An Điền, Bình Thới… Nghiên cứu quy hoạch và thu hút đầu tư các khu phức hợp lấn biển.
Trong những năm qua, du lịch biển tỉnh nhen nhóm hình thành và phát triển, với lợi thế thiên nhiên và hoang sơ đã tạo ấn tượng và thu hút được du khách gần xa. Nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, khai thác và cung cấp các dịch vụ du lịch, thu hút khách đến tham quan du lịch vào các dịp lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần, nhất là khách nội địa.
Về hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông kết nối đến 3 huyện ven biển có 3 trục quốc lộ (QL) theo hướng Đông - Tây, gồm: QL.57 kết nối với huyện Thạnh Phú; QL.57B kết nối với huyện Bình Đại và QL.57C kết nối với huyện Ba Tri. Cả 3 tuyến QL này kết nối với trục Bắc - Nam là QL.60. Đặc biệt, ngày 1-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, tỉnh có tuyến đường bộ ven biển với tổng chiều dài tuyến đường là 53km và 2 tuyến QL là: QL.57B, chiều dài dự kiến 87km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe; QL.57C, chiều dài dự kiến 64km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe. Các tuyến QL này đều được kết nối đi đến các huyện biển của tỉnh.
Ngoài ra, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành thêm một trục giao thông Bắc - Nam kết nối Bến Tre với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Với mạng lưới giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ hình thành các trục giao thông kết nối đến khu vực các huyện biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, vận tải.
Phát triển tỉnh về hướng Đông
Với mục tiêu “phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre”, trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, trọng tâm là kinh tế biển, liên kết vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của từng địa phương về phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình: Đê bao ngăn mặn nối liền 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú - giai đoạn 2; cầu Rạch Miễu 2; Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1)... nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư các cảng bốc xếp và tập trung hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ TP. Hồ Chí Minh qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng nhằm mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh.
Thứ ba, tích cực vận động sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre, làm cơ sở xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các công trình trọng điểm, then chốt, có tính lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội; giúp chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo ra các ngành công nghiệp, dịch vụ mới và thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL, đưa tỉnh vào nhóm các tỉnh, thành phát triển khá giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ tư, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời ở những vùng đất sản xuất kém hiệu quả để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió đã được cấp phép; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch; khuyến khích, có chính sách cho thuê tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái.
Thứ năm, tập trung rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đến năm 2025. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản, phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là các nhà máy chế biến tôm biển và các sản phẩm từ khai thác thủy sản.
Thứ sáu, tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện và đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phú Thuận, cơ bản lắp đầy diện tích cho thuê với các ngành có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất đai và lao động. Hình thành các khu, cụm công nghiệp dọc tuyến đường ven biển; thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp An Nhơn, huyện Thạnh Phú với quy mô khoảng 490ha. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ven biển...
Thứ bảy, thu hút đầu tư các chợ, trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị loại V, loại IV theo quy hoạch tại các vùng ven biển.
Thứ tám, tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện ven biển. Có chính sách thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch; cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại - du lịch ven biển, các điểm du lịch sinh thái. Liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa tỉnh với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
Thứ chín, tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch không gian biển trên địa bàn 3 huyện biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý. Cụ thể: Vùng ven biển huyện Thạnh Phú sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch, gắn với di tích lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương và du lịch sinh thái, mà trọng tâm là phát triển khu du lịch Cồn Bửng để từng bước hình thành khu đô thị ven biển; đồng thời, tập trung đầu tư phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí (LNG). Vùng ven biển huyện Bình Đại, Ba Tri sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản, nuôi thủy sản; phát triển điện gió, điện LNG; hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ về biển, nhất là công nghiệp chế biến thủy sản, cơ khí…
Bên cạnh việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong tiểu vùng để triển khai các hoạt động đã ký kết, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của từng địa phương, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy/bộ, logistics, du lịch, năng lượng sạch, chế biến thủy sản, khai thác cảng biển… UBND tỉnh cũng sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, nhằm góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng ĐBSCL trở thành khu vực năng động và thịnh vượng trong thời gian tới. |
Nguyễn Trúc Sơn
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh