Bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Nguyễn Sự
Xây dựng bến bãi
… Tính từ thời điểm “thai nghén” cho đến khi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức đi vào hoạt động là gần 4 năm. Trong quãng thời gian đó, hàng loạt vấn đề xoay quanh việc khai mở tuyến đường chiến lược này đã được các cơ quan chiến lược và lãnh đạo các địa phương đặt ra và giải quyết thành công - từ việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị người và phương tiện, vạch tuyến và khảo sát tuyến… cho đến tổ chức bến bãi tiếp nhận hàng. Điều này không chỉ cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, quyết tâm chi viện cho quân và dân miền Nam kháng chiến của hậu phương lớn miền Bắc, mà còn thể hiện tính chủ động, quyết đoán và táo bạo của quân, dân Bến Tre nói riêng, Nam Bộ nói chung trong quá trình tạo thế, tạo lực để kháng chiến...
Sở dĩ Bến Tre và các địa phương ở ven biển Nam Bộ lại quyết định chọn một phương án được cho là “dự phòng” để tổ chức tiếp nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, việc tập kết, cất giấu hàng tại các đảo vắng trên vùng biển Tây Nam; rồi sau đó dùng ghe thuyền chuyển tải về đất liền (phương án 1); hoặc thả hàng xuống các khu vực có đông tàu thuyền đánh cá trên biển, rồi ngụy trang dùng ghe thuyền vớt hàng đưa vào bờ (phương án 2) đều tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro lớn, dễ bị lộ do phải tổ chức huy động lực lượng chuyển tải lớn, hàng hóa dễ bị thất thoát, khó đảm bảo được yếu tố bí mật cho tuyến đường... Thứ hai, không giống như bờ biển miền Trung hay Nam Trung Bộ, vùng ven biển ở Bến Tre có địa hình thuận lợi, cây cối rậm rạp; có nhiều cửa sông, cửa rạch tương đối sâu, tàu có trọng tải trên 30 tấn có thể vào, ra dễ dàng; các địa điểm xuống hàng vừa thuận tiện cho việc bảo vệ, cất giấu, vừa thuận tiện cho việc chuyển tải phân phối hàng đi các nơi. Thứ ba, địa bàn này vốn là “cái nôi” của cách mạng - nơi mà trong lịch sử đã từng có nhiều cuộc khởi nghĩa và nổi dậy; nơi có phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, người dân giàu lòng yêu nước, mật độ dân cư thưa, thuận tiện cho việc di dân để đảm bảo yếu tố bí mật bến bãi, kho. Trong kháng chiến chống Pháp, Bến Tre không những đã từng “lĩnh ấn” đi tiên phong trong việc khai mở tuyến đường biển ra Bắc “xin” vũ khí; mà ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nơi đây cũng đã có một thế trận lòng dân vững chắc - yếu tố quyết định sự thành công của việc mở bến và tổ chức tiếp nhận hàng.
Qua việc lựa chọn phương án tiếp nhận hàng và chọn địa bàn mở bến phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cho thấy quân và dân Bến Tre ý thức được rất rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng bến bãi và tổ chức tiếp nhận nguồn chi viện bằng đường biển. Để chuẩn bị đón những chuyến tàu theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào cập bến an toàn, hàng loạt công việc đã được quân và dân Bến Tre triển khai tích cực và đồng bộ - từ việc di dân xây dựng bến, kho bãi, tổ chức lực lượng và phương tiện bốc dỡ hàng… đến việc theo dõi tính toán mực nước thủy triều các cửa sông, tổ chức cảnh giới và bám sát tình hình hoạt động của địch trên địa bàn, tổ chức lực lượng đưa hàng tới các chiến trường.
Tiếp nhận, trung chuyển vũ khí
So với một số tỉnh ven biển Nam Bộ thì tại Bến Tre, xây dựng bến tiếp nhận tuy có phần muộn hơn (đêm 28-6-1963, Bến Tre đón chuyến tàu đầu tiên cập bến an toàn) và số lần tàu cập bến Bến Tre thành công cũng khá khiêm tốn (28 chuyến với 1.386 tấn), đứng thứ hai sau cụm bến Cà Mau (76 chuyến với 4.294 tấn). Tuy nhiên, nhiệm vụ của các cụm bến ở Bến Tre lại vô cùng nặng nề. Bến Tre không chỉ tiếp nhận hàng từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vào, mà còn làm nhiệm vụ trung chuyển hàng từ Cà Mau và Trà Vinh đưa lên cho chiến trường Khu 8, Nam Sài Gòn và Đông Nam Bộ. Thực tế cho thấy trong 3 cung đường trung chuyển vũ khí từ các cụm bến Cà Mau lên cho Khu 7 (Cà Mau - Trà Vinh, Trà Vinh - Bến Tre, Bến Tre - Cần Giờ) thì cung đường Bến Tre - Cần Giờ là khó khăn gian khổ và nhiều hiểm nguy rình rập nhất. Vậy mà chỉ trong vòng 2 năm “cao điểm” vận chuyển (1964 - 1966), đã có 1.400 tấn vũ khí được trung chuyển qua cụm bến Bến Tre an toàn, kịp thời bổ sung vũ khí cho quân và dân Khu 8 và miền Đông Nam Bộ mở một số chiến dịch lớn trong hai mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967). Nghi ngờ trước nguồn vũ khí lớn được tuồn vào cho Quân giải phóng trên chiến trường Khu 8, địch thừa nhận “Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng triệt hạ nó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn. Việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác hoạt động khá mạnh”(1)
Như đã biết, trong quá trình tiếp nhận nguồn vũ khí theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, thông thường tàu cập cụm bến của địa phương nào thì hàng phục vụ cho nhu cầu của chiến trường địa phương đó. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết, còn trên thực tế tùy theo tình hình, nó lại không diễn ra như vậy. Một lượng vũ khí tương đối lớn theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào bến Cà Mau nhưng lại được đưa ra chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ qua trung chuyển của cụm bến Bến Tre.
Bởi vậy, khi đánh giá vai trò của cụm bến Bến Tre đối với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển không nên chỉ căn cứ vào sự “đong - đếm” số lượng tàu cập bến và số lượng vũ khí tiếp nhận được, mà phải xem xét cả vai trò, vị trí chiến lược của cụm bến - Bến Tre đối với chiến trường Khu 8 và Nam Sài Gòn. Có nghiên cứu, hiểu được tính chất ác liệt của cuộc chiến, thấy được những khó khăn thiếu thốn vũ khí trang bị của chiến trường Khu 8 và vùng Nam Sài Gòn, thì mới đánh giá đúng vai trò hết sức quan trọng của cụm bến Bến Tre trong việc tiếp nhận và trung chuyển một khối lượng lớn vũ khí, hàng hóa khá lớn cho các chiến trường trên. Trong giai đoạn đầu (từ tháng 10-1962 cho đến tháng 2-1965), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu cần đưa được 50% số hàng tới các chiến trường đã là thành công; vậy mà thực tế đạt tới 93%, trong đó có sự góp mặt của 23 chuyến tàu vào cụm bến Bến Tre (điều đáng nói là cùng thời kỳ này, tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chỉ mới đạt được 25% kế hoạch và chủ yếu phục vụ cho chiến trường Trị - Thiên và Nam Lào, một phần bắc Tây Nguyên)(2)
Những kết quả khả quan trong việc tổ chức tiếp nhận, trung chuyển hàng tới các chiến trường của cụm bến Bến Tre đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh hình thái chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân ở Bến Tre và các chiến trường Nam Bộ mà trực tiếp là Khu 8, Nam Sài Gòn, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt ở Ấp Bắc và trên sông Sài Gòn… Kết quả đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa thể vươn tới những địa bàn này.
PV
(1) Theo tài liệu địch, Phông số 34, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
(2) Lịch sử vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam, NXB QĐND, H 1992, tr.156.