Bến Tre “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”

02/01/2019 - 08:50

“Đồng khởi Bến Tre năm 1960 là một mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa ở nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy… Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi” là tựa đề bài Tổng kết của Đại tướng Hoàng Văn Thái - Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỉnh Bến Tre, từ ngày 12 đến ngày 17-7-1982.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Đội quân tóc dài. Ảnh tư liệu

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã nêu rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một kho kinh nghiệm rất phong phú và quý báu. Cần tổ chức tốt việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh để củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới”.

Chấp hành nghị quyết đó, trong mấy năm qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan tổng kết của bộ, các tổng cục, quân chủng, binh chủng và các quân khu, quân đoàn, tỉnh, thành phố tiến hành công tác tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ và biên soạn lịch sử quân sự. Các nơi đều có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong các đơn vị tỉnh và thành phố phía Nam, Bến Tre, Tiền Giang và Long An là những tỉnh được chọn làm tổng kết trước để rút kinh nghiệm phổ biến cho các địa phương khác.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, có sự giúp đỡ của Ban Tổng kết chiến tranh B2, qua hơn 1 năm phấn đấu, Bến Tre đã tiến hành hội nghị tổng kết.

Sau 5 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, hội nghị đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi nhiệt liệt hoan nghênh kết quả của hội nghị và xin gửi tới toàn thể các đại biểu, toàn thể cán bộ và nhân viên phục vụ lời chúc mừng thân ái nhất.

Nhân dịp này tôi xin phát biểu ba vấn đề sau đây:

- Đánh giá kết quả công tác tổng kết và hội nghị tổng kết của tỉnh.

- Những đóng góp của Bến Tre vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của cả nước.

- Phát huy truyền thống và vận dụng kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ vào công cuộc xây dựng kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng ở địa phương trong giai đoạn cách mạng mới.

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA QUÂN DÂN BẾN TRE VÀO SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỦA CẢ NƯỚC

1. Bến Tre là một tỉnh nằm trong vùng tam giác châu thổ sông Cửu Long, cùng với Vĩnh Long và Trà Vinh, hình thành địa bàn bản lề quan trọng của chiến trường Nam Bộ. Qua hai lần kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tính chất địa bàn bản lề đó càng nổi lên rõ rệt.

Bến Tre là một tỉnh đông dân, có tiềm lực kinh tế đa dạng, có địa hình sông rạch chằng chịt, hiểm trở, rất thuận lợi cho chiến tranh nhân dân.

Nhân dân Bến Tre có một lịch sử đấu tranh lâu dài, có truyền thống tự lực tự cường, yêu nước và đấu tranh kiên cường bất khuất, luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Đảng bộ Bến Tre có truyền thống đoàn kết nhất trí, bám sát quần chúng và dựa vào quần chúng, dũng cảm và kiên trì chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

2. Từ sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (tháng 7-1954), nhân dân Bến Tre đã trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, thuận lợi cũng nhiều, khó khăn không ít. Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, đã phát động được quần chúng đông đảo đứng lên thực hiện 5 cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt sau đây:

- Phong trào “Đồng khởi” năm 1960 đã phá được bộ máy kiềm kẹp của địch và giành quyền làm chủ trên hầu hết vùng nông thôn trong tỉnh, mở đầu phong trào “Đồng khởi” ở Nam Bộ và chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công địch.

- Cao trào phá ấp chiến lược 1964 - 1965 góp phần đập tan “quốc sách” ấp chiến lược của địch, cùng với toàn miền đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của chúng.

- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (tháng 1-1968) đánh thắng cả ngụy lẫn Mỹ, đập tan “hạm đội nhỏ trên sông” - biểu dương sức mạnh của Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Long, góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ.

- Cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972 với hình thức chiến dịch tấn công tổng hợp, kết hợp đòn tấn công của chủ lực với tấn công nổi dậy bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót địch của lực lượng ba mũi tại xã, ấp, đánh bại một bước quan trọng âm mưu bình định của địch ở địa phương, góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ.

- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt tháng 4-1975 giành thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn.

Qua gần 21 năm kiên trì chiến đấu, quân và dân Bến Tre đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược do trên giao cho địa phương mình.

- Đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của địch ở địa phương, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào thời điểm chung của toàn miền, qua đó đã phối hợp chung với toàn miền để giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30-4-1975.

- Đã làm tròn nhiệm vụ đầu cầu và hành lang chiến lược, giúp cho trên tổ chức tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc và đưa lên chiến trường miền Đông Nam Bộ; đồng thời, tiếp nhận sự chi viện của miền, của khu và chuyển tiếp sang miền Tây Nam Bộ.

- Đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến lược tại chỗ, đóng góp sức người, sức của lên trên với một số lượng khá lớn.

3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Bến Tre là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, là một bộ phận không tách rời cuộc kháng chiến chống Mỹ của chiến trường đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chiến trường B2 nói chung.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Bến Tre phát triển từ đấu tranh chính trị tiến lên cao trào “Đồng khởi” giành quyền làm chủ ở nông thôn và từ khởi nghĩa vũ trang ở nông thôn chuyển lên chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân, là một quá trình liên tục tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn.

Nội dung cơ bản trong cuộc chiến tranh của Bến Tre là vấn đề giành dân và giữ dân; là vấn đề địch kiềm kẹp bình định gom dân, ta phá kiềm kẹp, phá bình định, phá gom dân, giành quyền làm chủ cho quần chúng; là vấn đề tạo ra thế ba vùng ở đồng bằng; ta có những vùng giải phóng ngày càng rộng lớn, vùng căn cứ và lõm căn cứ vững chắc, ta và địch giành giật nhau quyết liệt trong các vùng tranh chấp, còn địch thì ra sức củng cố vùng chúng tạm thời chiếm đóng, lấy đó làm bàn đạp tấn công ra vùng giải phóng của ta.

Quang cảnh đêm Đồng khởi năm 1960. Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Bến Tre, phong trào cách mạng của Bến Tre từ năm 1954 đến năm 1975 không tiến lên một cách thuận lợi, theo đường thẳng mà theo con đường zích zắc, thậm chí có lúc cách mạng phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Trước mỗi thắng lợi của ta, kẻ thù không cam chịu thất bại mà điên cuồng phản kích lại, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc tấn công của ta, tiêu diệt lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng vũ trang cách mạng và cơ quan đầu não. Do đó hình thái ta tấn công địch, địch phản công lại, địch tấn công ta, ta phản công lại, là hình thái phổ biến. Điều đó chứng tỏ, cuộc đấu tranh để giành dân và giữ dân giữa ta và địch trên chiến trường Bến Tre là một cuộc đấu tranh dai dẳng, quyết liệt, nhưng cuối cùng ta đã đánh bại địch, giành toàn thắng. Quân dân Bến Tre đã giành được những thắng lợi to lớn như trên là do những nguyên nhân sau đây:

- Một là, do Đảng ta có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, Đảng bộ Bến Tre đã quán triệt sâu sắc đường lối, phương châm của Đảng và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương mình, động viên được toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân đứng lên “anh dũng - đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.

- Hai là, do Đảng bộ đã quán triệt quan điểm quần chúng của Đảng luôn luôn bám sát dân, tin vào dân và dựa vào dân, quan tâm chăm sóc đến quyền lợi của dân, nhất là quyền lợi về ruộng đất, nên đã phát động được các cao trào cách mạng rộng lớn của quần chúng, tạo nên những bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa phương.

- Ba là, do Đảng bộ có nghệ thuật tổ chức lực lượng cách mạng, lực lượng chính trị (đội quân tóc dài) và lực lượng vũ trang, đồng thời sử dụng lực lượng đúng đắn, phát huy được sức mạnh tổng hợp của địa phương để đánh bại kẻ thù.

- Bốn là, do các cấp ủy Đảng và cơ quan quân sự các cấp đã vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn chiến lược tổng hợp của Đảng, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ và linh hoạt, triển khai tổ chức thực hiện cụ thể và khẩn trương, hành động xông xáo, quả cảm.

- Năm là, Đảng bộ và quân dân Bến Tre đoàn kết nhất trí, Đảng với dân là một, quân với dân là một, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn của địa phương; đồng thời, có ý thức toàn cục, tích cực đóng góp sức người, sức của cho trên, hợp đồng chặt chẽ với chiến trường chung của toàn miền.

Đương nhiên, thắng lợi của quân dân Bến Tre luôn luôn gắn liền với cuộc chiến đấu của quân dân cả nước, với sự chi viện hết lòng hết dạ của đồng bào miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã theo dõi chặt chẽ phong trào cách mạng của quân dân Bến Tre, đã biểu dương kịp thời những thành tích và ưu điểm, uốn nắn những lệch lạc và khuyết điểm, chỉ đạo từng bước đi của cuộc kháng chiến ở Bến Tre, tạo điều kiện cho Bến Tre giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, và cuối cùng đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Theo tôi, đó là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định nhất.

Phụ nữ Bến Tre biểu tình trong phong trào Đồng khởi 1960. Ảnh tư liệu

4. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre đã có những sáng tạo, những đóng góp quý giá vào kho tàng nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân cũng như nghệ thuật quân sự của Đảng ta. Một trong những đóng góp quan trọng của Bến Tre là phương pháp khởi nghĩa vũ trang và phương pháp chiến tranh cách mạng.

Bến Tre đã tạo được một mô hình về toàn dân Đồng khởi thúc đẩy toàn miền Nam nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với một khí thế long trời lở đất.

Tính chất phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre:

- Phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre là một cao trào cách mạng, lấy lực lượng chính trị của quần chúng làm chính phối hợp với lực lượng vũ trang đầu tiên còn nhỏ bé của nhân dân, là một cuộc khởi nghĩa từng phần đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức xúc của quần chúng về chính trị là phá thế kiềm kẹp của địch, hạ uy thế của địch làm lay chuyển và tan rã chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ và thế làm chủ cho quần chúng cách mạng.

- Phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháo gỡ mọi ràng buộc, chắp cánh cho quần chúng đứng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một phương pháp thích hợp để giành quyền làm chủ ở nông thôn, một phương pháp tấn công địch và từ phương pháp đó Bến Tre đã có những sáng tạo về phương châm, phương thức trong chiến tranh cách mạng sau đó.

- Phong trào Đồng khởi Bến Tre mở đầu cao trào tấn công và nổi dậy của toàn Nam Bộ, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa vũ trang ở miền núi, miền Trung Trung Bộ, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tấn công địch. Nói một cách khác, nó mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, cuộc khủng hoảng chính trị lần thứ nhất của bè lũ Mỹ - Diệm.

Do đó theo tôi, phong trào Đồng khởi 1960 của Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Phong trào “Đồng khởi” Bến Tre đã diễn ra trong những điều kiện như thế nào?

- Quần chúng đã căm thù địch cao độ, do chính sách đàn áp dã man phát xít hóa của địch về quân sự, chúng sử dụng quân đội càn quét và lê máy chém khắp nông thôn; về chính trị, chúng bắt bớ, tù và kiềm kẹp quần chúng chặt chẽ; về kinh tế, chúng cướp đoạt ruộng đất của nông dân... Quần chúng không thể sống như cũ, quyết tâm vùng lên và sẵn sàng vùng lên.

- Địch còn cả một bộ máy chính quyền từ Trung ương tới địa phương và một lực lượng quân sự khá lớn, địch đã thiết lập bộ máy kiềm kẹp tương đối hoàn chỉnh trên toàn tỉnh Bến Tre. Nhưng chúng đã bị quần chúng căm ghét, bị cô lập, tinh thần địch rất sút kém, mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, tập trung vào khâu yếu nhất là vùng nông thôn. Lực lượng địch ở nông thôn không nhiều lại chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng địa phương, được sự giáo dục của cơ sở ta trong lòng địch, nên yếu hơn ta cả về số lượng và chất lượng.

- Đội ngũ cách mạng qua các thời kỳ trước tuy bị tổn thất nặng nề nhưng vẫn còn là một lực lượng quan trọng, bám sát quần chúng, bám sát địa bàn, có tinh thần kiên quyết cách mạng, kiên quyết lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, có lòng tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng, có tinh thần sáng tạo và có trình độ chỉ huy.

- Phong trào cách mạng các địa phương khác cũng đang sôi sục, đang sẵn sàng hưởng ứng phong trào “Đồng khởi” của Bến Tre, sẵn sàng tấn công và nổi dậy, phá kiềm kẹp giành dân trên một diện rộng.

Những điều kiện cụ thể trên đây chứng minh, tình thế 1959 - 1960 của Bến Tre là “tình thế trực tiếp cách mạng” như Lênin đã khái quát.

Lực lượng du kích Bến Tre trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre 1960. Ảnh tư liệu

Những nhân tố quyết định thành công của phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre:

- Một là, Đảng bộ Bến Tre đã kiên trì bám dân để giữ dân, dựa vào dân mà giữ gìn và phát triển thực lực cách mạng, giữ gìn và phát triển lực lượng Đảng, cũng nhờ có bám dân mới hiểu thấu nguyện vọng và yêu cầu của quần chúng, mới hiểu rõ địch, hiểu rõ ta, trên cơ sở đó mới giữ vững địa bàn, chỗ đứng chân của lực lượng cách mạng.

- Hai là, đã đánh giá đúng đắn thực chất chỗ mạnh và chỗ yếu của địch, chỗ mạnh và chỗ yếu của ta, về đánh giá địch, các đồng chí Bến Tre đã nhận thấy bề ngoài thì địch hùng hùng hổ hổ nhưng bên trong thì địch đã suy yếu và khủng hoảng toàn diện, biểu hiện tập trung nhất là ở cơ sở nông thôn, về đánh giá ta, các đồng chí Bến Tre đã đánh giá đúng đắn sức mạnh to lớn của quần chúng. Nhân dân Bến Tre có truyền thống đấu tranh cách mạng, có kinh nghiệm đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, có kinh nghiệm nổi dậy giành quyền làm chủ và khi đã nổi dậy thì sẽ trở thành sức mạnh vô địch. Do đó đã dám hạ quyết tâm phát động quần chúng đứng lên “Đồng khởi”, đổi đời, tạo ra bước ngoặt mới và cục diện mới.

- Ba là, đã nắm vững nghệ thuật phát động và tổ chức lực lượng quần chúng, lấy lực lượng chính trị làm chính phối hợp với lực lượng vũ trang còn bé nhỏ lúc đầu, vận dụng kết hợp ba lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận, hình thành ba mũi lấy đồn, nổi dậy khởi nghĩa tại điểm và nhanh chóng phát triển ra diện, tạo ra khí thế cách mạng sôi nổi chưa từng thấy, tạo ra bước phát triển nhảy vọt 1 ngày bằng 20 năm.

- Bốn là, đã nắm vững những vấn đề chủ yếu trong nghệ thuật giành quyền làm chủ và giữ vững quyền làm chủ trong những điều kiện cụ thể của miền Nam trong năm 1960, đó là vấn đề chọn lựa và vận dụng linh hoạt các hình thức nổi dậy diệt ác ôn, phá kiềm kẹp và giành quyền làm chủ; sáng tạo các hình thức đấu tranh chính trị phù hợp nhằm tạo ra thế chính trị công khai, hợp pháp, thế mạnh của cách mạng, buộc địch phải thừa nhận quyền làm chủ của nhân dân cả về chính trị và kinh tế, vận dụng rộng rãi nhiều hình thức tuyên truyền cổ động, văn nghệ, khẩu hiệu, truyền đơn, áp phích... để khuếch trương thanh thế cách mạng và quyền làm chủ của quần chúng. Đó là vấn đề chọn lựa và vận dụng các hình thức tấn công bằng binh vận, làm cho địch càng bị suy yếu cả về tinh thần và tổ chức. Đó là vấn đề xây dựng ấp xã chiến đấu, phát động chiến tranh du kích, kết hợp và hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và binh vận.

Nói tóm lại quân dân Bến Tre đã sáng tạo phương thức ba mũi giáp công để giành và giữ quyền làm chủ của quần chúng.

- Năm là, đã nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, kịp thời phát triển tiến công và nổi dậy, tấn công và phản công, liên tục phá bộ máy kiềm kẹp của địch và giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng.

- Sáu là, đã sớm nhận thức quy luật phát triển từ khởi nghĩa vũ trang tất yếu phải tiến lên chiến tranh cách mạng, do đó đã kịp thời xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang ngày càng mạnh để đẩy mạnh tiến công và kiên quyết phản công địch, phát triển và giữ vững thành quả của cách mạng.

Tóm lại, phong trào “Đồng khởi” Bến Tre năm 1960 là một mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa ở nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi.

Những ưu điểm về chỉ đạo phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre đã đóng góp một phần xứng đáng vào nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa của Đảng ta.

(*): tựa đề do Tòa soạn đặt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN