Ngày 9/10, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã bế mạc tại thủ đô Băng-cốc của Thái Lan sau 12 ngày họp mà không đạt được tiến triển trong các vấn đề cấp bách hiện nay, như cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước giàu và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị là bước chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu ở Cô-pen-ha-ghen (Copenhagen) tháng 12 tới. Các đại biểu tham dự đã tỏ ý hoài nghi về khả năng tại hội nghị ở Cô-pen-ha-ghen, các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận khung về chống biến đổi khí hậu toàn cầu sau khi Nghị định thư Ki-ô-tô (Kyoto) hết hạn năm 2012.
Trước đó, tối 8/10, ông Y-vo Đờ Bô-ê (Yvo de Boer), Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu nhận định việc các nước giàu không nhất trí được về cắt giảm khí nhà kính và hỗ trợ hàng tỷ USD cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự thiếu tin tưởng giữa hai khối nước này. Theo ông Bô-ê, thực tế khó khăn cho thấy nếu không đạt được tiến triển trong các vấn đề chính trị, các nhà thương lượng về vấn đề chống biến đổi khí hậu sẽ rất khó tiếp tục làm việc.
Tại hội nghị, chỉ duy nhất Na Uy công bố mục tiêu mới về cắt giảm khí nhà kính, theo đó nước này sẽ giảm 40% lượng khí nhà kính vào năm 2020, cao hơn 10% so với cam kết trước đây.
Hội nghị ở Băng-cốc nằm trong khuôn khổ Công ước Khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Cho đến nay, nhiều nước công nghiệp phát triển đã cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính, trong đó đi đầu là Nhật Bản và Liên minh châu Âu, nhưng một số nước như Mỹ, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia một nghị định thư "hậu Ki-ô-tô"./.